
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, mới đây nhận định rằng nền kinh tế Nga đã thích nghi được với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và lạm phát đang có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, bà cảnh báo nước Nga đang đứng trước thời kỳ đầy biến động và những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Theo bà Nabiullina, mặc dù Nga đạt mức tăng trưởng GDP 4,3% trong năm 2024, song động lực tăng trưởng hiện tại đã gần như cạn kiệt và tăng trưởng năm 2025 dự kiến sẽ chậm lại đáng kể.
“Chúng ta đã thích nghi với một số thách thức bên ngoài, nhưng phía trước sẽ là giai đoạn đầy biến động. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội mới để nâng cao năng suất lao động,” bà phát biểu tại một hội nghị ngành ngân hàng.
Một trong những áp lực lớn nhất hiện nay là chi phí lao động tăng cao, phần lớn do chi tiêu quân sự thúc đẩy vòng xoáy tăng lương và việc siết chặt nhập cư.
Bà cho rằng chi phí lao động cao sẽ còn kéo dài, buộc nền kinh tế Nga phải tái cơ cấu dựa trên nguồn tài chính nội địa thay vì phụ thuộc vào dòng vốn giá rẻ từ nước ngoài, vốn không còn khả dụng kể từ sau xung đột với Ukraine.
Trước đó, dữ liệu mới nhất từ S&P Global cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Nga đã giảm mạnh xuống còn 47,5 điểm trong tháng 6/2025, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022 - khi xung đột với Ukraine nổ ra.
Đây là sự đảo chiều được đánh giá là đáng chú ý so với tháng 5/2025, khi chỉ số PMI đạt 50,2 điểm - cho thấy hoạt động sản xuất vẫn còn mở rộng nhẹ. Theo S&P Global, nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm là do số lượng đơn hàng mới giảm mạnh, trong bối cảnh nhu cầu yếu và đồng rúp lên giá, khiến hàng xuất khẩu của Nga trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế.
Nabiullina cho biết Nga đã thích nghi với việc kết nối với bên ngoài, nhưng đang phải đối mặt với “những chuyển biến mang tính cấu trúc hoàn toàn mới, chủ yếu là chuyển đổi công nghệ”. Bà đặc biệt nhấn mạnh các thách thức mà trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại cho nền kinh tế.
Về chính sách tiền tệ, bà cho biết lạm phát hiện đang chậm lại nhanh hơn dự kiến, nhờ đồng rúp mạnh và thị trường lao động bớt căng thẳng.
Ngân hàng Trung ương Nga đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng trước và có thể tiếp tục hành động mạnh tay hơn nếu đà suy giảm kinh tế rõ rệt hơn. Nabiullina cũng bác bỏ ý kiến cho rằng đồng rúp đang bị định giá quá cao, khẳng định: “Một đồng tiền yếu thường phản ánh sự dễ tổn thương và thiếu niềm tin - điều không nên hướng tới.”
Tham khảo Reuters