Tiền thôi liệu có đủ?
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 3/7 đưa tin, dự luật hòa giải của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất 150 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng trong năm tài chính 2026, trong đó khoảng 30 tỷ USD sẽ được chi cho đóng tàu hải quân. Dự luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 22/5.
Vào ngày 1/7, dự luật đã được thông qua một cách sít sao tại Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số sau hơn 24 tiếng tranh luận, đáp ứng thời hạn do Tổng thống Trump đặt ra là ngày 4/7. Bất kỳ thay đổi nào được thực hiện trong phiên bản dự luật do Thượng viện đề xuất bây giờ sẽ cần sự chấp thuận của Hạ viện trước khi chuyển đến Tổng thống để ký.

Tổng thống Donald Trump từng cam kết sẽ "hồi sinh ngành đóng tàu của Mỹ, bao gồm đóng tàu thương mại và đóng tàu quân sự". Ảnh: Umich
Theo SCMP, phiên bản dự luật của Hạ viện ban đầu đề xuất 33,7 tỷ USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và mở rộng năng lực các xưởng đóng tàu tư nhân, đồng thời phát triển các tàu chiến mới và phương tiện không người lái. Tuy nhiên, Thượng viện đã điều chỉnh xuống còn 28 tỷ USD, đồng thời loại bỏ một số khoản mua sắm tàu lớn để ưu tiên các phương tiện không người lái hạng trung.
Tuy là khoản phân bổ lớn nhất trong dự luật, song giới quan sát cho rằng chừng đó là chưa đủ. Nhà Trắng chỉ đề xuất 20,8 tỷ USD cho đóng tàu trong ngân sách cơ sở năm 2026 – giảm gần phân nửa so với 37,1 tỷ USD thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker - chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ - gọi sự sụt giảm này là "vô cùng" đáng thất vọng, nói rằng các quỹ hòa giải của quốc hội được dùng để bổ sung cho ngân sách cơ sở, chứ không phải để thay thế.
Collin Koh – chuyên gia cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore - cho biết các xưởng đóng tàu của Mỹ đã "cạn kiệt dần" và trở nên "xơ cứng" trong nhiều thập kỷ.
"Họ [Mỹ] đã đầu tư không đủ, và bằng cách nào đó, họ đã để chính trị trong nước thực sự làm xáo trộn các ưu tiên đóng tàu hải quân. Tất cả những điều này cần phải thay đổi ngay từ đầu", Koh nói.
"Thành thật mà nói, nếu bạn hỏi tôi, ngân sách [hòa giải] này, tôi không nghĩ đó là thuốc chữa bách bệnh, và tôi không nghĩ nó sẽ trở thành giải pháp chính cho một vấn đề tồn tại lâu dài trong giới hoạch định chính sách hải quân Mỹ", Koh nói với phóng viên SCMP.
Theo John Bradford - giám đốc điều hành của Hội đồng Yokosuka về Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và là một sĩ quan Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, mục tiêu của Washington là đảm bảo các xưởng đóng tàu của Mỹ và đồng minh "hoạt động hết công suất để đóng các tàu thương mại tạo ra doanh thu và các tàu quân sự cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc".
"Việc khiến các xưởng đóng tàu bận rộn và có lãi sẽ cung cấp nhu cầu và nguồn lực đầu tư để thúc đẩy việc mở rộng năng lực đóng tàu", ông nói.
Tuy nhiên, việc đóng tàu và mở rộng năng lực đóng tàu cần có thời gian, "bất kể khoản đầu tư lớn đến đâu", Bradford lưu ý.
"Đơn giản là đã quá muộn để các khoản đầu tư vào xưởng đóng tàu [của Mỹ] hiện nay giúp mở rộng hạm đội để có thể thay đổi tính toán của Trung Quốc về khả năng [Bắc Kinh] có thể đối đầu thành công với Đài Loan thông qua lực lượng hải quân trong vài năm tới", ông nhận định.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc di chuyển trên biển. Ảnh: Chinamil
Trước đó, theo SCMP, Tổng thống Trump từng cam kết sẽ "hồi sinh ngành đóng tàu của Mỹ, bao gồm đóng tàu thương mại và đóng tàu quân sự".
"Chúng tôi từng đóng rất nhiều tàu. Chúng tôi không còn đóng nhiều nữa, nhưng chúng tôi sẽ đóng chúng rất nhanh, rất sớm. Nó sẽ có tác động rất lớn", ông Trump phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 4/3.
Vào ngày 9/4, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp có tên "Khôi phục sự thống trị hàng hải của Mỹ", nhằm mục đích phục hồi và xây dựng lại cơ sở công nghiệp và lực lượng lao động hàng hải của Mỹ, đồng thời cạnh tranh trước thế mạnh đóng tàu của Trung Quốc trên toàn cầu.
Chạy đua với thời gian
Theo SCMP, động thái cải tổ ngành đóng tàu của Washington đặc biệt quan trọng khi mối lo ngại về các kế hoạch hành động quân sự của Bắc Kinh trên khắp Eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng, làm nổi bật nhu cầu tăng cường khả năng răn đe trên biển của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn thường xuyên xung quanh đảo Đài Loan trong những năm gần đây. Các cuộc tập trận đã gia tăng về quy mô và cường độ, với việc Hải quân PLA triển khai các hạm đội của mình, bao gồm cả nhóm tác chiến tàu sân bay, đến vùng biển quan trọng về mặt chiến lược ngoài khơi phía đông đảo Đài Loan.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và có thể thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trong khi đó, giống như hầu hết các quốc gia khác, Mỹ không công nhận hòn đảo này là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Washington phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương hoặc cưỡng bức nào đối với nguyên trạng của hòn đảo, và vẫn là bên ủng hộ và cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, các xưởng đóng tàu của Mỹ chỉ đóng 5 tàu buôn lớn đi biển vào năm 2024, với tổng khối lượng là 76.000 tấn.
Ngược lại, riêng Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đã bàn giao hơn 250 tàu trong cùng năm, tổng cộng là 14 triệu tấn. Theo CSIS, con số này lớn hơn nhiều so với toàn bộ ngành đóng tàu của Mỹ kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Thị phần của Trung Quốc trong ngành đóng tàu thương mại toàn cầu đã tăng vọt từ 5% vào năm 2000 lên hơn 53% vào năm 2024. Hàn Quốc và Nhật Bản, lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3, là những quốc gia duy nhất còn lại trong ngành này nhưng thị phần kết hợp của hai nước đã giảm từ 74% xuống 42% trong cùng kỳ.

Thị phần đóng tàu thương mại toàn cầu của Trung Quốc đạt hơn 53% vào năm 2024. Ảnh: Getty
Năng lực đóng tàu mạnh mẽ của Trung Quốc cũng đã nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của hạm đội hải quân nước này. Một báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 12/2024 mô tả hạm đội Hải quân PLA là lớn nhất thế giới, "với lực lượng chiến đấu gồm hơn 370 tàu và tàu ngầm, bao gồm hơn 140 tàu chiến mặt nước lớn".
Hải quân Mỹ được biết là có ít hơn 300 tàu vào cuối năm 2024 và khoảng cách này dự kiến sẽ còn được nới rộng trong những năm tới.
Với những hạn chế về năng lực đóng tàu của Mỹ và những thách thức dai dẳng về lực lượng lao động, các nhà phân tích tin rằng chỉ riêng việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ không đủ để Washington nhanh chóng thu hẹp khoảng cách hải quân với Trung Quốc hoặc tăng cường đáng kể khả năng răn đe trên biển gần Eo biển Đài Loan.
Theo chuyên gia Koh, khoảng cách đóng tàu của hải quân Mỹ đã rõ ràng trong một thời gian, vì vậy "câu hỏi không phải là nên làm gì" mà là tại sao những hành động này không được thực hiện "ngay từ đầu".
Ông cho biết các xưởng đóng tàu của hải quân Mỹ "rất khác" so với các đối tác Trung Quốc về mặt hoạt động, vì Trung Quốc vẫn là "quốc gia đáng tin cậy" về khả năng huy động các yếu tố công nghệ và đóng tàu trên quy mô lớn với giá cả cạnh tranh.
Các xưởng đóng tàu của Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để đạt được quy mô sản lượng này, Koh cho biết. "[Điều này] không chỉ liên quan đến Tổng thống Trump, mà còn liên quan đến chính bản chất của xưởng đóng tàu hải quân Mỹ."
Nhưng Brian Hart - phó giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS - lại đưa ra một góc nhìn khác. Ông cho biết, mặc dù cơ sở công nghiệp của Trung Quốc có thể "sản xuất một số lượng tàu hải quân ấn tượng một cách nhanh chóng, nhưng sức mạnh hải quân không chỉ đơn thuần là số lượng tàu", và Mỹ "không cần sánh ngang với Trung Quốc về mặt số lượng trong mọi lĩnh vực".
Ông cho biết hải quân Mỹ vẫn giữ được lợi thế về hệ thống năng lượng của hạm đội tàu sân bay lớn hơn, với những lợi thế đáng kể về khả năng tác chiến dưới nước.
"Như cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy, công nghệ đang thay đổi cách chúng ta chiến đấu. Các khoản đầu tư có mục tiêu vào các tàu nhỏ không người lái có thể là một phương thức quan trọng để chi tiêu theo cách tiết kiệm", Hart lưu ý.
(Theo SCMP)