Cuộc gặp mật ở tầng hầm IMF phá bế tắc giữa Mỹ - Trung: "Ai là người chớp mắt trước"?

Admin

Cuộc họp đầu tiên phá vỡ bế tắc thương mại Mỹ - Trung đã được tổ chức cách đây gần 3 tuần tại tầng hầm trụ sở IMF, được sắp xếp bí mật.

Cuộc họp mật ở tầng hầm trụ sở IMF

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã gặp Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Fo'an để thảo luận, theo các nguồn thạo tin.

Cuộc thảo luận này là cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa các quan chức 2 nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và phát động cuộc chiến thuế quan. Bộ Tài chính Mỹ từ chối đưa ra bình luận về cuộc họp bí mật.

Các cuộc đàm phán cấp cao cũng diễn ra vào cuối tuần tại Geneva giữa ông Bessent và phó thủ tướng Trung Quốc He Lifeng, đưa đến thỏa thuận tạm ngưng mức thuế quan trong vòng 90 ngày.

Mặc dù cả hai bên đều cảnh báo rằng họ sẵn sàng cho một cuộc chiến nhưng 2 nước nhanh chóng và dễ dàng đạt được thỏa thuận hơn dự kiến. Một câu hỏi có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc đàm phán sắp tới: Bắc Kinh hay Washington nao núng trước?

Hôm thứ Hai, ông Trump tuyên bố chiến thắng, nói rằng ông đã thiết kế một "cuộc tái thiết hoàn toàn" với Trung Quốc. Trong khi đó, Hồ Tích Tiến, cựu biên tập viên của thời báo Hoàn cầu Thời báo, cho rằng thỏa thuận này là "một chiến thắng lớn cho Trung Quốc".

Ai "chớp mắt" trước?

Các nhà kinh tế cho rằng Mỹ có thể đã hành động quá đà khi tăng thuế quá nhanh và quá cao. "Mỹ đã chớp mắt trước", Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp cho biết. "Họ nghĩ rằng họ có thể tăng thuế gần như vô hạn mà không bị tổn hại, nhưng điều đó đã không được chứng minh là đúng", bà nói thêm.

Mỹ - Trung Quốc đều lập luận rằng phía còn lại dễ bị tổn thương hơn trước thuế quan. Nhưng tốc độ họ gỡ bỏ các khoản thuế tại Geneva cho thấy rằng cuộc chiến thương mại đang gây ra nỗi đau nghiêm trọng cho cả hai bên, nhà nữ kinh tế trưởng nói.

Cuộc gặp mật ở tầng hầm IMF phá bế tắc giữa Mỹ - Trung: "Ai là người chớp mắt trước"?- Ảnh 1.

Các mức thuế bổ sung mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa mỗi nước theo thời gian.

Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị phân tách đang đe dọa mất việc làm của người lao động Trung Quốc và lạm phát cao hơn cùng những kệ hàng trống rỗng đối với người tiêu dùng Mỹ.

Craig Singleton của Quỹ DFF (Defense of Democracies), một nhóm nghiên cứu tại Washington, cho biết thật "đáng kinh ngạc" về tốc độ đạt được thỏa thuận, và "cả hai bên đều bị ràng buộc về mặt kinh tế hơn những gì họ thể hiện".

Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại CSIS, một nhóm nghiên cứu, cho biết: "Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ - Trung sẽ giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc. Thị trường có thể thở phào nhẹ nhõm tạm thời nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tình hình khó khăn".

Các nhà kinh tế cảnh báo, bất chấp việc trì hoãn các khoản thuế quan này, quan hệ song phương vẫn còn nhiều rắc rối, với việc hoạch định chính sách khó lường của Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cố gắng kích thích nhu cầu trong nước nhiều hơn.

Fred Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á tại HSBC, cho biết: "Đã có rất nhiều bất ổn được đưa vào chính sách thương mại của Mỹ nói chung và điều đó có nghĩa là Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác, vẫn sẽ tìm cách đa dạng hóa thương mại khỏi Mỹ".

(*) Phép so sánh dựa trên trò chơi "Ai chớp mắt trước", trong đó, 2 người tham gia sẽ nhìn nhau, ai chớp mắt trước thì thua - PV

 

 (Theo Financial Times)