Hé lộ tiến độ thi công đáng kinh ngạc của siêu đô thị dài 170km của Saudi Arabia: Nền móng bắt đầu ‘mọc’ lên từ cát, 60 tuabin gió cung cấp cho công trường 2.800 công nhân

Admin

Dự án đô thị táo bạo nhất của Saudi Arabia giờ đây không còn chỉ là bản thiết kế. Thành phố tuyến tính The Line đang dần hiện hình rõ nét giữa sa mạc.

CEO Giles Pendleton của The Line vừa công bố loạt ảnh chụp từ trên không cho thấy nhiều cột mốc xây dựng quan trọng dọc theo thành phố dài 170 km này. Hình ảnh hé lộ giai đoạn đầu của các công trình, nền móng lớn và cơ sở hạ tầng phụ trợ đang dần hình thành trên vùng sa mạc cằn cỗi.

Nổi bật trong số đó là phần ranh giới rộng 200 mét của thành phố tương lai đã xuất hiện rõ nét, khắc sâu vào nền cát sa mạc. Tính đến cuối năm 2024, việc đặt 4.500 cọc móng đã hoàn thành. Hơn 60 tuabin gió đã được lắp đặt để cung cấp năng lượng tái tạo cho toàn bộ công trường khổng lồ.  

Hé lộ tiến độ thi công đáng kinh ngạc của siêu đô thị dài 170km của Saudi Arabia: Nền móng bắt đầu ‘mọc’ lên từ cát, 60 tuabin gió cung cấp cho công trường 2.800 công nhân- Ảnh 1.

Các trại công nhân và khu định cư phục vụ thi công cũng đã được thiết lập, cho thấy quy mô huy động nhân lực khổng lồ của dự án. Trong khi đó, công tác xây dựng tại Oxagon – trung tâm công nghiệp và hậu cần của Neom – cũng đang tiến triển nhanh chóng, phản ánh mức độ triển khai đồng bộ trên nhiều hạng mục.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2021, siêu đô thị The Line đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đây là dự án trọng điểm của Neom, nằm trong chiến lược Vision 2030 do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng.

The Line là “thành phố thông minh thẳng đứng” gồm hai tòa nhà ốp kính cao 500 mét, chạy song song kéo dài 170 km. Dự án đặt mục tiêu cung cấp môi trường sống hiện đại cho tối đa 9 triệu cư dân. Chiều rộng của thành phố là 200 mét, không đường sá và phương tiện cá nhân. Cư dân sẽ tiếp cận mọi tiện nghi trong vòng 5 phút đi bộ và di chuyển trong thành phố bằng tàu siêu tốc. Thành phố này cũng hứa hẹn sẽ sử dụng năng lượng tái tạo và không phát thải carbon.

Hé lộ tiến độ thi công đáng kinh ngạc của siêu đô thị dài 170km của Saudi Arabia: Nền móng bắt đầu ‘mọc’ lên từ cát, 60 tuabin gió cung cấp cho công trường 2.800 công nhân- Ảnh 2.

Tuy nhiên, quy mô khổng lồ và mục tiêu “viễn tưởng” của dự án cũng gây không ít tranh cãi. Giới phê bình tiếp tục bày tỏ nghi ngại về tính khả thi, tác động môi trường và đặc biệt là vấn đề điều kiện làm việc của lao động nhập cư tại công trường.

Theo tài liệu của Neom mà tờ The Wall Street Journal xem xét, riêng dự án The Line trong Neom có thể tiêu tốn hơn 100 tỷ USD. Nếu được xây dựng hoàn chỉnh, nhân viên của Neom ước tính giá trị thực sự của toàn bộ dự án Neom sẽ vượt 2.000 tỷ USD.

Đối mặt với vấn đề kinh phí, quy mô giai đoạn đầu của The Line dự kiến bị thu hẹp. Hiện Saudi Arabia có kế hoạch xây dựng khoảng 2 km đầu vào năm 2030, ngắn hơn nhiều so với dự kiến trước đó. Nhưng ngay cả khi bị cắt ngắn, công trình này vẫn sẽ là toà nhà lớn nhất thế giới, gấp 60 lần diện tích toà Empire State.

Theo dữ liệu chính thức từ Neom, mặc dù siêu đô thị The Line dự kiến sẽ đón khoảng 1,5 triệu người vào năm 2030, hiện chỉ có khoảng 2.800 công nhân và nhân viên đang sinh sống tại khu vực. Dự án chủ yếu được tài trợ bởi Quỹ Đầu tư Công (PIF) của Saudi Arabia,, trong đó hơn một nửa được phân bổ cho các dự án thuộc Neom.

Hé lộ tiến độ thi công đáng kinh ngạc của siêu đô thị dài 170km của Saudi Arabia: Nền móng bắt đầu ‘mọc’ lên từ cát, 60 tuabin gió cung cấp cho công trường 2.800 công nhân- Ảnh 3.

Dù tiến độ hiện tại đang ghi nhận nhiều tiến bộ rõ rệt, con đường phía trước vẫn đầy thách thức. Với quy mô chưa từng có và mức độ phức tạp cao, khả năng hoàn thành đúng mốc 2030 vẫn là dấu hỏi lớn. Những điều chỉnh hoặc trì hoãn có thể sẽ xuất hiện khi dự án đối mặt với các thách thức kỹ thuật, hậu cần và cả địa chính trị.

Quan chức Saudi Arabia phủ nhận thông tin kế hoạch bị thay đổi. Giờ đây họ gọi Neom là khoản “đầu tư thế hệ”. Họ kỳ vọng thành quả sẽ đến sau hàng chục năm nữa, thay vì trở thành động lực kinh tế từ 2030 như ban đầu.

(Theo Wonderful Engineering)