
Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, phát biểu tại Berlin ngày 26/5/2025.
Trong bài phát biểu tại Berlin, bà Lagarde nhấn mạnh rằng những thay đổi thất thường trong chính sách kinh tế của Hoa Kỳ đã khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại, từ đó giảm bớt mức độ tiếp xúc với đồng USD trong những tháng gần đây. Nhiều người đã chuyển sang đầu tư vào vàng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một loại tiền tệ thay thế thực sự nổi bật.
“Những biến chuyển hiện nay đang mở ra một thời khắc đặc biệt cho đồng euro trên quy mô toàn cầu”, bà phát biểu.
Theo bà, các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự đảm bảo địa chính trị dưới một hình thức khác – cụ thể là đầu tư vào tài sản ở các khu vực được xem là đối tác an ninh đáng tin cậy và có khả năng thực thi các cam kết bằng sức mạnh quân sự.
“Nền kinh tế toàn cầu từng phát triển trên nền tảng của sự cởi mở và chủ nghĩa đa phương do Hoa Kỳ dẫn dắt… nhưng ngày nay nền tảng đó đang bị rạn nứt”, bà Lagarde nói.
Dù đồng USD vẫn chiếm khoảng 58% trong dự trữ ngoại hối toàn cầu - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ nhưng vẫn vượt xa so với tỷ lệ 20% của đồng euro - vai trò của nó đã và đang dần suy giảm.
Bà Lagarde cho rằng bất kỳ vai trò toàn cầu nào được nâng cao cho đồng euro cũng cần song hành với năng lực quân sự vững mạnh, nhằm củng cố lòng tin trong các mối quan hệ đối tác quốc tế.
Bà cũng nhấn mạnh rằng châu Âu nên thúc đẩy việc sử dụng đồng euro như là đơn vị thanh toán chính trong thương mại quốc tế, thông qua các hiệp định thương mại mới, cải thiện hệ thống thanh toán xuyên biên giới và thiết lập các thỏa thuận thanh khoản với ECB...
Để cải thiện điều này, châu Âu cần xây dựng thị trường vốn sâu rộng và có tính thanh khoản cao hơn, củng cố cơ sở pháp lý và kết nối chính sách thương mại với năng lực an ninh, bà Lagarde phân tích.
Tuy vậy, cải cách nội bộ có thể còn cấp bách hơn, bà lưu ý. Thị trường vốn khu vực đồng euro vẫn bị chia cắt, kém hiệu quả và thiếu tài sản an toàn thực sự có tính thanh khoản cao, dễ tiếp cận – điều mà các nhà đầu tư toàn cầu mong muốn.
“Về mặt kinh tế, hàng hóa công cộng cần được tài trợ chung. Việc đồng tài trợ này có thể là nền tảng để châu Âu tăng dần nguồn cung tài sản an toàn”, bà nói.
Nếu vượt qua được những rào cản này, châu Âu sẽ thu được những lợi ích đáng kể, theo bà Lagarde. Việc gia tăng dòng vốn đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp trong khu vực vay vốn với chi phí thấp hơn, giảm thiểu rủi ro do biến động tỷ giá và bảo vệ châu Âu trước các lệnh trừng phạt quốc tế.