Xuất khẩu tăng mạnh, nhóm hàng công nghệ cao gây bất ngờ

Admin

Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, tính đến ngày 15/7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt xấp xỉ 239,2 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy xu hướng phục hồi đáng khích lệ.

Đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu cả nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đóng vai trò chủ lực, với kim ngạch đạt gần 175,8 tỷ USD, tăng 17,5%, chiếm 73,5% tổng trị giá xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực trong nước tăng nhẹ khoảng 7,4% khi chỉ đạt 63 tỷ USD.

Xuất khẩu các sản phẩm nông lâm, thủy sản ghi nhận biến động khá rõ nét. Trong khi xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng nhất, đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng 14,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,8 tỷ USD, tăng hơn 8,6%; các mặt hàng như rau quả, gạo lại suy giảm.

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu gạo đạt 2,6 tỷ USD, giảm hơn 13%.

Với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu đạt 20,5 tỷ USD, giày dép các loại đạt 12,9 tỷ USD. Tuy giữ được quy mô lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng khá chậm, một phần do đơn hàng từ thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phục hồi chưa mạnh.

Xuất khẩu tăng mạnh, nhóm hàng công nghệ cao gây bất ngờ- Ảnh 1.

Xuất khẩu sản phẩm điện tử tăng mạnh.

Đáng chú ý nhất là nhóm hàng công nghệ cao tiếp tục là trụ cột chính trong cơ cấu xuất khẩu. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 51,5 tỷ USD, tăng tới 40,3%; điện thoại và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD. Đây là hai nhóm hàng chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn đa quốc gia và năng lực sản xuất linh hoạt của Việt Nam.

Ngoài ra, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 3,92 tỷ USD với hơn 5,9 triệu tấn, giảm hơn 22% so với cùng kỳ trong nước, do ảnh hưởng từ việc gia tăng biện pháp bảo hộ thương mại từ các nước nhập khẩu, cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu và sự biến động của giá nguyên liệu.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tính đến giữa tháng 7 đạt khoảng 231,4 tỷ USD, thấp hơn gần 8 tỷ USD so với tổng kim ngạch xuất khẩu, giúp Việt Nam tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư thương mại.

Nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; hóa chất và sản phẩm hóa chất, sắt thép, xăng dầu, và linh kiện ô tô...

Theo Bộ Công Thương, năm nay Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 12% so với năm ngoái, với kim ngạch dự kiến đạt khoảng 404 tỷ USD. Cán cân thương mại dự kiến sẽ tiếp tục thặng dư, với mức xuất siêu trên 20 tỷ USD.