Vụ cáo buộc xây cao tốc làm nứt nhà dân: Chính quyền xã yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải giám định gì?

Admin

Đây là thông tin mới nhất liên quan tới vụ cáo buộc Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư xây cao tốc hơn 7.600 tỷ làm nứt nhà dân.

Mới đây, ngày 23/7, lãnh đạo UBND xã Suối Dầu (trước đây là xã Cuối Cát) xác nhận rằng đã làm việc với Công ty TNHH Đầu tư Đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (thuộc Tập đoàn Sơn Hải) cùng người dân phản ánh đã bị ảnh hưởng bởi rung chấn khi thi công tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Việc đối chất giữa chính quyền địa phương, người dân và đại diện doanh nghiệp nhằm làm rõ việc người dân phản ánh bị nứt nhà.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo xã Suối Dầu cho biết, quan điểm của địa phương là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Theo đó, trong suốt quá trình triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, chính quyền xã Suối Cát (cũ) và xã Suối Dầu mới luôn vận động người dân hiểu, cũng như đồng thuận các chủ trương, chính sách của nhà nước về bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

Với kiến nghị của người dân, lãnh đạo xã Suối Dầu đề xuất Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Xây dựng) phải chủ trì và yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải thực hiện 2 nội dung. Cụ thể, đó là thỏa thuận với người dân, hoặc t huê đơn vị tư vấn giám định đối với việc nứt nhà có phải do thi công cao tốc hay không.

Có 32 hộ dân đã rút đơn kiến nghị

Vụ cáo buộc xây cao tốc làm nứt nhà dân: Chính quyền xã yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải giám định gì?- Ảnh 1.

Tập đoàn Sơn Hải chụp lại hình ảnh nứt nhà dân trước khi thi công tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: HL

Trước đó, theo thống kê của UBND xã Suối dầu, tính đến cuối tháng 8/2023, hơn 3 tháng sau khi cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đưa vào khai thác, có 15 hộ dân phản ánh tình trạng nứt nhà. Thế nhưng, phía Tập đoàn Sơn Hải cho rằng việc người dân đồng loạt kiến nghị sau thời gian dài công trình đi vào sử dụng là bất thường và không đúng thực tế.

Theo đại diện Tập đoàn Sơn Hải, nếu bị ảnh hưởng trong giai đoạn thi công dự án thì người dân đã phản ánh ngay. Đại diện của doanh nghiệp cũng cho biết, trong 60 hộ kiến nghị hỗ trợ bồi thường ban đầu thì hiện 32 hộ đã rút đơn.

Vào đầu tháng 7/2025, phía Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với địa phương khẩn trương rà soát, giám định thiệt hại và bồi thường dứt điểm cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công đường đầu cầu tuyến nối TL3, thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm.

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh - đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng Công ty TNHH Đầu tư Đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm tổ chức kiểm tra, giám định, chi trả bồi thường đúng quy định, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Ngoài ra, Bộ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, xác định chi phí bồi thường, tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Vụ cáo buộc xây cao tốc làm nứt nhà dân: Chính quyền xã yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải giám định gì?- Ảnh 2.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, được thông xe vào tháng 5/2023. Ảnh: HM

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, với điểm đầu tại huyện Diên Khánh và điểm cuối tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa cũ).

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 7.600 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. Trong giai đoạn đầu, dự án đầu tư xây dựng mặt đường rộng 17 m cho 4 làn xe lưu thông, với tốc độ từ 60 - 80km/h.