Từ con chữ đầu tiên đến hành trình làm lại cuộc đời

Admin

Không chỉ đơn thuần là xóa mù, lớp học chữ trong trại cai nghiện ma túy xã Biển Hồ do các cán bộ công an trực tiếp giảng dạy còn là hành trình khơi dậy niềm tin và khát vọng hoàn lương.

Nơi những cuộc đời lỡ nhịp tìm lại niềm tin

Từ tháng 3/2025, lớp học xóa mù chữ chính thức được mở tại Cơ sở cai nghiện ma túy xã Biển Hồ (tỉnh Gia Lai), đánh dấu bước chuyển mình sau khi Công an tỉnh tiếp nhận cơ sở từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sự kiện này không chỉ là sự thay đổi về quản lý, mà còn là khởi đầu cho một luồng sinh khí mới. Những cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã trực tiếp xuống cơ sở, mang theo tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới trong cách tiếp cận công tác cai nghiện.

Giờ học chữ không còn đơn thuần là dạy đọc, dạy viết, mà được lồng ghép với các chương trình giáo dục pháp luật, sinh hoạt tập thể và đào tạo kỹ năng sống. Một mô hình cai nghiện toàn diện, nhân văn và hướng tới tái hòa nhập cộng đồng đang dần hình thành.

Việc đưa lực lượng công an chuyên trách vào vận hành không chỉ tăng tính kỷ cương mà còn mở ra nhiều hoạt động thiết thực: từ giảng dạy văn hóa, phổ biến pháp luật, tổ chức thể dục thể thao đến tư vấn tâm lý.

Trong đó, lớp xóa mù chữ trở thành điểm nhấn đặc biệt. Từng con chữ không chỉ là kiến thức mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa mới, nơi những học viên từng dang dở học hành có thể tìm lại sự tự tin và niềm tin vào một tương lai khác.

Từ con chữ đầu tiên đến hành trình làm lại cuộc đời- Ảnh 1.

Tại cơ sở cai nghiện ma túy, các học viên quyết tâm trang bị kiến thức pháp luật để sớm hoà nhập cộng đồng.

Trong căn phòng học giản dị, 23 học viên ngồi ngay ngắn, ánh mắt dõi theo từng nét phấn trên bảng đen. Trước lớp là những cán bộ Công an tận tâm, đang kiên nhẫn truyền dạy từng con chữ, hành trang đầu tiên để các học viên chuẩn bị cho chặng đường mới của cuộc đời.

Trên trang vở trắng tinh, anh Trần Xuân T. cẩn thận nắn nót từng nét chữ. Anh nói: “Giờ tôi không còn ngại khi phải đọc hay viết giấy tờ nữa".

Anh kể, tuổi thơ từng dang dở vì những cuộc rong chơi và hoàn cảnh khó khăn. Việc học bỏ lỡ từ sớm khiến anh gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống: từ việc đi chợ, làm giấy tờ đến giao dịch mua bán, những việc tưởng chừng đơn giản với người khác, lại là rào cản với anh.

Rồi đến một ngày, anh trượt dài thêm vì vấp ngã vào ma túy. Chất bột trắng ấy không chỉ bào mòn sức khỏe, mà còn cuốn đi lòng tin của gia đình, đẩy anh ra bên lề của những mối quan hệ từng thân thiết.

Tại cơ sở cai nghiện, anh lại bắt đầu một hành trình khác. “Tôi muốn làm lại cuộc đời từ những điều đơn giản nhất, như viết được tên mình cho tròn nét", anh T. nói, đôi mắt ánh lên hy vọng.

Từ con chữ đầu tiên đến hành trình làm lại cuộc đời- Ảnh 2.

Ngoài giờ học, các học viên tham gia tăng gia, sản xuất.

Anh T. trải lòng: “Tôi không còn xấu hổ vì chuyện không biết chữ nữa. Ngược lại, được các cán bộ quan tâm, động viên, tôi thấy tinh thần nhẹ nhõm hẳn. Giờ tôi quyết tâm học cho được. Sau này khi trở về với cuộc sống ngoài kia, ít nhất mình cũng không còn lúng túng trước giấy tờ, đơn từ vì mình đã biết đọc, biết viết rồi".

"Chìa khoá" cho tương lai

Trao đổi với Người Đưa Tin, Trung tá Trần Đình Hùng, Phó Trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy, cho biết: “Mỗi ngày lên lớp xóa mù chữ, tôi lại thấy các học viên thay đổi từng chút một. Họ dần cởi mở hơn, giàu cảm xúc hơn. 

Việc dạy chữ không chỉ là dạy đọc, dạy viết, mà là dạy cách đứng lên, cách tin vào chính mình. Có người lần đầu tiên trong đời được tự tay viết tên mình, đọc được tên con, tên vợ, ánh mắt rưng rưng khiến chúng tôi không khỏi xúc động.

Lớp học đặc biệt này không chỉ giúp họ biết chữ, mà còn giúp họ hiểu luật, hiểu cách ứng xử văn minh trong cộng đồng. Khi đã biết đọc, biết suy nghĩ đúng, họ bắt đầu gỡ bỏ mặc cảm, dám tin rằng mình có thể làm lại cuộc đời. Và đó cũng là điều lớn nhất mà chúng tôi hướng tới".

Theo Trung tá Hùng, mỗi ngày, học viên đi học 2 ca. Ca sáng từ 8 đến 10h, ca chiều từ 13h30 đến 16h. Buổi tối, sau khi trở về phòng, mỗi học viên đều phải học bài, làm bài tập để sáng hôm sau cán bộ sẽ kiểm tra bài cũ.

Bên trong trại cai nghiện của những con bệnh "nghiện" InternetBác sỹ có 'đôi tay vàng' dùng châm cứu cắt cơn cai nghiện miễn phí

Trung tá Trần Đình Hùng khẳng định: “Đến thời điểm này, tất cả học viên trong lớp đều đã biết đọc, biết viết. 

Từ việc biết chữ, nhiều người bắt đầu tìm đến thư viện để đọc sách, báo. Có học viên còn viết thư tay gửi về cho gia đình, chia sẻ quyết tâm từ bỏ ma túy và làm lại cuộc đời. Mô hình đã bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt".

“Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lớp học này, bởi đây không chỉ là lớp học văn hóa mà còn là lớp học niềm tin. Rất mong nhận được sự chung tay hỗ trợ thêm sách vở, tài liệu... để các em có điều kiện học tập tốt hơn, từng bước quay trở lại với gia đình và hòa nhập cuộc sống cộng đồng", Trung tá Hùng nói.