Trung Quốc thử nghiệm chip đọc não: Cạnh tranh nóng với Neuralink của Elon Musk

Admin

Chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã tiến gần Mỹ trong cuộc đua phát triển chip cấy não. Beinao-1 – thiết bị BCI do Bắc Kinh nghiên cứu đang dần chứng minh tiềm năng thay đổi cuộc sống người bệnh.

Đài Truyền hình Bắc Kinh vừa ghi hình một phần thử nghiệm lâm sàng công nghệ BCI (giao diện não – máy tính) với năm bệnh nhân được cấy chip Beinao-1 – thiết bị có kích thước bằng đồng xu, hoạt động không dây, có thể giải mã tín hiệu não thành văn bản, lời nói hoặc cử động.

Trung Quốc thử nghiệm chip đọc não: Cạnh tranh nóng với Neuralink của Elon Musk- Ảnh 1.

Luo Minmin trong buổi phỏng vấn với CNN tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu não bộ Trung Quốc, tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là GS. Luo Minmin, Giám đốc Viện nghiên cứu não bộ Trung Quốc (CIBR), từng lấy bằng Tiến sĩ thần kinh học tại Mỹ. Ông cho biết nhu cầu từ bệnh nhân đang tăng vọt: “Chúng tôi quá tải yêu cầu đăng ký thử nghiệm”.

"Một bệnh nhân ALS ngoài 60 tuổi từng hoàn toàn không thể giao tiếp. Sau khi cấy Beinao-1, bà đã nói được những câu đơn giản." – GS. Luo chia sẻ.

Thử nghiệm với bệnh nhân ALS kể trên là ca cấy ghép thứ ba trên người, bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Đến tháng 5, tổng cộng đã có năm bệnh nhân được cấy thiết bị, ngang bằng số ca của Neuralink – công ty của Elon Musk. Một đối thủ khác tại Mỹ là Synchron, nhận đầu tư từ Jeff Bezos và Bill Gates, đã thử nghiệm trên 10 bệnh nhân tại Mỹ và Australia.

Beinao-1 được phát triển bởi công ty khởi nghiệp NeuCyber NeuroTech, do CIBR ươm tạo từ năm 2023. Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này như một phần trong chiến lược vươn lên thành cường quốc công nghệ toàn cầu.

Cuộc đua công nghệ não: Trung Quốc bám sát Mỹ

Trong khi Mỹ khởi động Sáng kiến Não bộ từ năm 2013 với hơn 3 tỷ USD đầu tư, Trung Quốc bắt đầu muộn hơn gần một thập kỷ, nhưng hiện đang tăng tốc mạnh mẽ. Từ năm 2016, công nghệ não đã được đưa vào Kế hoạch 5 năm quốc gia – dấu hiệu rõ ràng cho thấy ưu tiên chiến lược.

Lily Lin, từng là trợ lý nghiên cứu tại một viện khoa học thần kinh hàng đầu Trung Quốc, nhận định: “Tuy bắt đầu chậm hơn, Trung Quốc phát triển nhanh nhờ đầu tư lớn và liên tục tăng ngân sách mỗi năm.”

Dù vẫn thừa nhận Mỹ là “người dẫn đầu” trong cả công nghệ xâm lấn và không xâm lấn, GS. Luo cho biết việc so sánh Beinao-1 và Neuralink giống như “so sánh táo với cam”: Khác nhau từ vị trí cấy ghép, tín hiệu thu nhận đến phương thức truyền dữ liệu.

Chip Trung Quốc ưu tiên ghi lại vùng não rộng hơn (dù độ chính xác thấp hơn trên từng neuron), trong khi Neuralink chọn phương pháp tập trung để điều khiển chính xác hơn.

Cơ hội và tham vọng phía trước

Theo Precedence Research, thị trường công nghệ não có thể đạt 12,4 tỷ USD vào năm 2034, tăng mạnh so với 2,6 tỷ USD năm ngoái. Nhưng hơn cả giá trị kinh tế, công nghệ này mang theo cuộc chạy đua quyền lực giữa các siêu cường.

GS. Luo khẳng định: “Nếu được chứng minh an toàn và hiệu quả, chúng tôi hy vọng Beinao-1 có thể được ứng dụng lâm sàng trên toàn cầu.”