Trung Quốc có phát ngôn đầu tiên sau đàm phán thuế với Mỹ: Khen ngợi thành công nhờ lối đi riêng

Admin

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc không muốn khoe khoang nhưng Bắc Kinh phải hài lòng với kết quả này và coi đó là sự xác nhận cho chiến lược không bao giờ quỳ gối của mình", Jeremy Chan, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group nói.

Các nước ngần ngại, chỉ Trung Quốc phản ứng khác

Tại Bắc Kinh, việc Washington giảm thuế quan đối với Trung Quốc bắt đầu từ 14/5, mạnh hơn nhiều so với dự kiến của các nhà phân tích, đang được khen ngợi.

Đây được xem như bằng chứng cho thấy lập trường cứng rắn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong 5 tuần qua là cách tiếp cận đúng đắn: chiến thắng trong vòng 1 cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi các nhà lãnh đạo khác vội vã đàm phán và ngần ngại áp thuế quan trả đũa đối với Mỹ, Bắc Kinh đã đáp trả từng "đòn" một với các mức thuế của Tổng thống Trump, đồng thời sử dụng cả các biện pháp khác bao gồm cả việc hạn chế các khoáng sản quan trọng.

Hôm 13/5, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu, chưa đầy 24 giờ sau khi 2 nước tuyên bố tạm dừng áp thuế quan. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ trích gián tiếp cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump trong khi nhấn mạnh cam kết của Bắc Kinh đối với trật tự toàn cầu.

"Bắt nạt và chuyên chế sẽ chỉ dẫn đến sự tự cô lập", ông Tập Cận Bình phát biểu trước các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh đang có chuyến thăm Bắc Kinh.

"Không có bên nào chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại", ông nói thêm.

"Trung Quốc thắng vòng 1"

Nhiều nhà phân tích đồng ý với quan điểm của Bắc Kinh, theo Washington Post.

Bắc Kinh thực sự không mất gì cả và đã khiến Mỹ phải nhượng bộ, và có vẻ như chỉ mất một tuần đàm phán, Richard McGregor, thành viên cấp cao về Đông Á tại Viện Lowy có trụ sở tại Sydney cho biết. "Phải nói rằng Trung Quốc đã thắng vòng một", ông nói thêm.

Các nhà phân tích cho biết trong khi Trung Quốc coi đây là một chiến thắng, Bắc Kinh vẫn thận trọng không khoe khoang quá mức.

Trung Quốc có phát ngôn đầu tiên sau đàm phán thuế với Mỹ: Khen ngợi thành công nhờ lối đi riêng- Ảnh 1.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã thắng vòng 1. Ảnh: Reuters

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc không muốn khoe khoang nhưng Bắc Kinh phải hài lòng với kết quả này và coi đó là sự xác nhận cho chiến lược 'không bao giờ quỳ gối' của mình", Jeremy Chan, nhà phân tích cấp cao của nhóm Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group, một công ty tư vấn, cho biết.

Nhà phân tích cấp cao này thậm chí còn gọi đây là "sự đầu hàng gần như hoàn toàn của Mỹ".

Sự thách thức của Bắc Kinh là một cách để củng cố nỗ lực giành vị thế lãnh đạo toàn cầu khi nước này tìm cách thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường hàng đầu thế giới. Trong một video do Bộ Ngoại giao công bố vào tháng trước, Trung Quốc cam kết "không bao giờ quỳ gối" trước sự bắt nạt của Hoa Kỳ để "tiếng nói của những kẻ yếu sẽ được lắng nghe".

Sự rút lui của Mỹ cũng có thể giúp Trung Quốc thu hút những người bạn mới có thể không còn hứng thú với Washington. Vào thứ Ba, ông Tập Cận Bình đã cam kết cấp hạn mức tín dụng 9 tỷ USD cho Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) khi các đại biểu từ khoảng 30 quốc gia - bao gồm Brazil, Colombia và Chile - đến thăm Bắc Kinh.

Mặc dù thỏa thuận đã làm giảm căng thẳng, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Các cuộc đàm phán vẫn có thể đổ vỡ, như đã xảy ra vào năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.

"Đây sẽ là cuộc chiến khó khăn [về các vấn đề]. Việc hủy bỏ thuế quan là phần dễ dàng", Chucheng Feng, đối tác sáng lập của Hutong Research, một công ty tư vấn tập trung vào Trung Quốc, cho biết.