Thua lỗ 6 năm liên tiếp, âm vốn gần 80 tỷ: Doanh nghiệp dệt may 40 năm tuổi phải tạm ngừng hoạt động sản xuất gia công

Admin

Legamex cũng là một trong những DN chịu hệ luỵ của "cú giáng" gã khổng lồ Amazon. Tương tự Garmex Sài Gòn, LGM từ cuối năm 2022 đối mặt với tình trạng đứt gãy đơn hàng gia công tủ vải cho Gilimex.

Ngày 16/5, CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex - mã CK: LGM) công bố quyết định tạm ngừng hoạt động sản xuất gia công từ tháng 5/2025 để giảm lỗ, góp phần làm giảm áp lực về tài chính của Công ty trong thời gian tới.

Công ty sẽ khôi phục hoạt động sản xuất gia công khi thị trường dệt may trong nước, trên thế giới hồi phục và nguồn lực của công ty đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2025, HĐQT cho biết, tình hình hoạt động trong năm 2024 của Legamex rất khó khăn, không những khó khăn về tình hình tài chính mà còn khó khăn về hoạt động gia công khi đơn hàng gia công nhỏ lẻ, không ổn định, không dồi dào để tăng năng suất, mở rộng thêm chuyền hay tuyển thêm lao động.

Legamex là công ty thành viên trong hệ thống của Công ty Cổ phần dệt may Gia Định được thành lập từ năm 1986. Từ tiền thân là Xí nghiệp Giày da và May mặc xuất khẩu trực thuộc UBND Quận 10, TPHCM, chuyên sản xuất gia công giày da, hàng may mặc xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước khác. Đến năm 2005, Legamex chính thức trở thành Công ty cổ phần.

Hệ luỵ của "cú giáng" của gã khổng lồ Amazon

Legamex cũng là một trong những DN chịu hệ luỵ của "cú giáng" gã khổng lồ Amazon. Tương tự Garmex Sài Gòn, LGM từ cuối năm 2022 đối mặt với tình trạng đứt gãy đơn hàng gia công tủ vải cho Gilimex.

Sau khi đứt gãy đơn hàng gia công tủ vải, đến cuối năm 2023, Legamex đã cơ bản chuyển đổi sang cơ cấu hoạt động sản xuất gia công hàng may mặc thời trang.

Tuy nhiên đây là thị trường đòi hỏi rất nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, nguyên liệu, nguồn lực để có thể tiếp cận. Legamex chỉ là đơn vị thực hiện gia công cho các đối tác trong nước do Công ty không đủ nguồn lực để thực hiện sản xuất kinh doanh với quy mô xuất khẩu.

Vì vậy, việc tìm đối tác, đơn hàng và thương lượng giá trong thời gian này vẫn rất khó khăn, đa phần là các đơn hàng có số lượng nhỏ, đơn giá thấp, thời gian sản xuất và giao hàng ngắn... là các đơn hàng rất khó để có hiệu quả. Do đó hoạt động sản xuất của Công ty không đạt năng suất, sản lượng như kỳ vọng.

Năm 2023, doanh thu của Legamex chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng, giảm đến 76% so với năm trước, lỗ kỷ lục gần 63 tỷ đồng. Năm 2024, Legamex lỗ hơn 33 tỷ đồng. Đây là năm thứ 6 Legamex lỗ liên tiếp, nâng tổng lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2024 lên trên 166 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 79 tỷ đồng.

Thua lỗ 6 năm liên tiếp, âm vốn gần 80 tỷ: Doanh nghiệp dệt may 40 năm tuổi phải tạm ngừng hoạt động sản xuất gia công- Ảnh 1.

  Số lượng lao động sản xuất trực tiếp liên tục sụt giảm do khó khăn về lương, thưởng và các chế độ đi kèm kéo theo việc tuyển mới lao động cũng không thực hiện được như kế hoạch. Đặc biệt, sau làn sóng dịch chuyển lao động tại các thành phố lớn về lại địa phương thì khả năng tuyển thêm lao động mới của Công ty Legamex lại càng thêm khó. Tại cuối năm 2024, công ty chỉ còn 202 nhân viên, giảm 68 nhân viên so với hồi đầu năm.  

Ngoài ra, máy móc, thiết bị của Công ty đa phần đã hơn 10 năm, Công ty sử dụng theo hướng tận dụng mà không có khả năng đầu tư mới nên không thực hiện được tự động hóa đã tác động không nhỏ đến năng suất sản xuất.

Biến động thượng tầng và cơ cấu cổ đông

Ngày 11/03, ông Lê Hồng Chiến đã nộp đơn từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Legamex với lý do cá nhân, ông Huỳnh Tăng Phúc Hậu được bổ nhiệm thay thế. Tới cuối tháng 4, ông Chiến cũng được miễn nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT, và cổ đông đã bầu bổ sung ông Huỳnh Tăng Phúc Hậu vào HĐQT.

Ngoài ra, đầu tháng 4, vị trí Kế toán trưởng cũng có sự thay đổi khi bà Nguyễn Thị Lan Trà từ nhiệm và ông Võ Phú Hưng - nguyên Trưởng phòng Hành chính Nhân sự - được bổ nhiệm thay thế với thời hạn 1 năm.

Ông Chiến là CEO của CTCP Dệt may Gia Định (Giditex) - tổ chức từng nắm giữ tới 51% vốn của Legamex. Đến đầu tháng 1/2024, Giditex đã thoái toàn bộ vốn tại Legamex. Ngay sau đó, toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát của Legemax đã nộp đơn từ nhiệm.

Đến giữa tháng 5/2024, nhóm cổ đông lớn gồm 5 cá nhân nắm giữ tổng cộng 72,67% vốn LGM đã chuyển nhượng toàn bộ, qua đó thoái sạch vốn khỏi Legamex. Chiều ngược lại, Công ty Hà Nam nhận chuyển nhượng gần 5,4 triệu cổ phiếu (72,67% vốn LGM). Công ty này chưa từng không sở hữu cổ phiếu LGM nào trước đó.

Công ty Hà Nam được thành lập vào ngày 25/3/2024, hoạt động chính trong lĩnh vực hoạt động tư vấn quản lý. Hà Nam có vốn điều lệ 90 tỷ đồng; do ông Đỗ Văn Huy sở hữu 80% vốn (tương ứng góp 72 tỷ đồng) và bà Bùi Thị Thủy Chung sở hữu 20%.

Legamex đã hoàn tất chào bán riêng lẻ 4,44 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp, thu về 66,6 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 118,4 tỷ đồng. Công ty Hà Nam mua vào gần 4 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 79,17%.