Thu nhập thuộc top 10% cao nhất cả nước vẫn không đủ tiền cho con đi học: Cám cảnh tại nền kinh tế số 1 thế giới

Admin

Dù tình trạng lạm phát có phần hạ nhiệt, thực tế ngày càng nhiều người vẫn cảm nhận rõ rệt áp lực tài chính trong đời sống hàng ngày.

Thu nhập thuộc top 10% cao nhất cả nước vẫn không đủ tiền cho con đi học: Cám cảnh tại nền kinh tế số 1 thế giới- Ảnh 1.

Lauren Fichter và chồng kiếm được khoảng 350.000 USD/năm, có nhà ở Reading, Pa. và một bất động sản nghỉ dưỡng cho thuê trên Airbnb.

Ngỡ tưởng đã đủ đầy, song sau khi con trai lớn là Dalton vào đại học vào năm sau, cậu bé sẽ phải vay tiền học phí và tự săn học bổng. Bố mẹ hiện không thể tiết kiệm đủ tiền để trang trải tất cả các khoản dự kiến tốn khoảng 75.000 USD/năm cho mỗi học sinh.

“Khi tôi còn trẻ, tôi thậm chí không nghĩ mình có thể kiếm được nhiều tiền như vậy”, Fichter, 47 tuổi, cho biết. “Nhưng ngày nay, tôi cảm thấy chúng tôi chỉ là một gia đình trung lưu bình thường”.

Gia đình của Fichter nằm trong nhóm những người có thu nhập cao nhất. Vậy tại sao họ không cảm thấy giàu có?

Các hộ gia đình Mỹ kiếm được khoảng 250.000 USD trở lên thường được coi là thuộc top 10% những người có thu nhập cao nhất. Con số nghe có vẻ rất lớn—và theo nhiều thước đo, những người Mỹ giàu có thực sự đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, cảm giác mong manh về tài chính vẫn hiện hữu sau nhiều năm trang trải chi phí nhà ở, bảo hiểm và vay nợ.

Để có đủ tiền cho con đi học, Fichter phải quay lại công việc bán hàng vào năm 2023 sau 15 năm chỉ làm nội trợ. Cho đến nay, họ vẫn chưa tiết kiệm được nhiều như mong đợi.

Chi phí cho các môn thể thao của con là 9.000 USD/năm. Hóa đơn tiền điện là 500 USD/tháng, tăng khoảng 200 USD trong năm năm qua. Chồng cô cố gắng tự sửa nhà và sửa xe nhưng không thể làm mọi thứ. Họ đã hoãn việc sơn nhà sau khi nhận được báo giá 10.000 USD.

Joanne Hsu, giám đốc cuộc khảo sát người tiêu dùng được theo dõi chặt chẽ do Đại học Michigan thực hiện, cho biết: “Nhà ở thì đắt đỏ và giáo dục cũng vậy”.

Thu nhập thuộc top 10% cao nhất cả nước vẫn không đủ tiền cho con đi học: Cám cảnh tại nền kinh tế số 1 thế giới- Ảnh 2.

Theo khảo sát của National True Cost of Living Coalition, 65% người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu (thu nhập khoảng 62.300 USD/năm cho gia đình bốn người) khẳng định họ đang phải chật vật đáp ứng chi phí sống cơ bản. 46% trong số đó không có tới 500 USD dự trữ khi cấp thiết xảy ra.

Báo cáo của Fed và Gallup chỉ ra rằng ngay cả khi tỷ lệ lạm phát đã giảm từ mức 9% xuống gần mức mục tiêu 2–3%, cảm giác đau tài chính vẫn còn đó. Giá thuê nhà, thực phẩm, sinh hoạt hàng ngày đã tăng cao trong khi thu nhập tăng không đủ để bù lại.

Ngay cả nhóm có thu nhập khá cũng không tránh khỏi cảm giác “khó sống đủ”: họ cắt giảm chi tiêu xa xỉ như ăn ngoài và phụ thuộc vào tín dụng tiêu dùng để duy trì cuộc sống. Trong khi đó, thế hệ trẻ như Gen Z vẫn chưa xây được quỹ khẩn cấp và phải dựa vào gia đình khi gặp bất kỳ vấn đề gì.

Nghiên cứu từ Bank of America cho thấy 46% người trẻ Gen Z (18–27 tuổi) hiện vẫn cần phụ thuộc vào cha mẹ để trang trải cuộc sống do chi phí sinh hoạt tăng phi mã. Đáng lo hơn, đến 57% không có đủ tiết kiệm khẩn cấp cho 3 tháng sống tối thiểu, khiến họ dễ rơi vào nợ nần khi gặp biến cố.

Takeisha Blackwell, 24 tuổi, đã buộc phải chuyển về sống với cha mẹ vì tiền thuê nhà tại Michigan tăng gấp đôi – từ 575 USD lên 1.100 USD mỗi tháng. Thực phẩm, hóa đơn sinh hoạt đắt đỏ khiến cô phải phải thắt chặt chi tiêu tối đa. Cô chia sẻ: “Mỗi lần vào Starbucks là mất 8 USD một ly. Giờ tôi phải tự pha tại nhà”.

Dù tình trạng lạm phát có phần hạ nhiệt, thực tế ngày càng nhiều người Mỹ vẫn cảm nhận rõ rệt áp lực tài chính trong đời sống hàng ngày. Một cuộc khảo sát của Fed cho thấy chỉ khoảng 73% người dân Mỹ cảm thấy “ổn” về tài chính, thấp hơn mức 78% năm 2021 khi trợ cấp đại dịch còn mạnh. Trong khi đó, 60% người tham gia cho rằng giá cả tăng cao đã khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn so với năm trước. Một khảo sát khác từ Gallup cho biết tới 61% người Mỹ xem lạm phát là nguyên nhân khiến gia đình họ gặp khó khăn, với 15% cho biết tình hình ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng duy trì mức sống trước đó.

Theo: WSJ, Reuters