Tập đoàn năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy đã từ bỏ dự án điện gió ngoài khơi thứ 3 tại Australia, đánh dấu một bước lùi đáng kể đối với tham vọng năng lượng tái tạo của "xứ sở Kangaroo".
Cụ thể, đầu năm nay, Equinor đã lặng lẽ rút khỏi dự án điện gió ngoài khơi Bass (BOWE) gần bờ biển Tasmania, khi gã khổng lồ dầu khí này giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo để tăng lợi nhuận cho các cổ đông và thích ứng với "quá trình chuyển đổi năng lượng không đồng đều".
Trong một tuyên bố ngắn gọn gửi đến tờ Financial Review của Australia, Equinor và đối tác tại BOWE, công ty Nexsphere của Australia, hồi đầu tháng này xác nhận rằng hai bên đã chấm dứt hợp tác trong dự án này.
Nexsphere vẫn tiếp tục theo đuổi dự án, với mục tiêu lắp đặt 70-100 turbine điện gió ngoài khơi, có khả năng tạo ra tới 1.500 MW năng lượng tái tạo, đủ cung cấp điện cho 325.000 hộ gia đình trong khu vực.
Nexsphere cho biết trong một tuyên bố riêng với Financial Review rằng dự án hiện "100% thuộc sở hữu của Australia" và công ty sẽ "hợp tác với các đối tác điện gió ngoài khơi quốc tế lớn khác để biến đề xuất này thành hiện thực".

Ảnh minh họa.
Trước dự án BOWE, Equinor đã rút khỏi các dự án được đề xuất ở Eden và khu vực Illawarra, tiểu bang New South Wales ở phía Đông Australia.
Điều này là do các điều chỉnh của chính phủ liên bang, theo đó thu hẹp 1/3 diện tích phát triển dự án và dịch chuyển nó ra xa bờ biển thêm hơn 20 km để giải quyết các mối quan ngại về môi trường và cộng đồng.
Nhưng Equinor không phải là công ty duy nhất đang rút lui. Động thái này phù hợp với các quyết định tương tự của các công ty châu Âu khác, làm nổi bật những thách thức ngày càng gia tăng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Nhà phát triển điện gió ngoài khơi BlueFloat Energy của Tây Ban Nha, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư Mỹ nhưng có trụ sở chính tại EU, đã rút khỏi 2 đề xuất lớn: Dự án điện gió ngoài khơi Gippsland ở Victoria và một dự án khác ở khu vực Illawarra.
Tương tự, công ty Skyborn Renewables của Đức đã hoàn toàn rút khỏi thị trường Australia sau khi gác lại các kế hoạch điện gió ngoài khơi phía Nam Australia.
Lý do cho sự rút lui rất đa dạng. Tại địa phương, sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng, ngành công nghiệp đánh bắt cá và các nhân vật chính trị đã đóng một vai trò quan trọng.
Ví dụ, những lo ngại về tác động đến cảnh quan, sự gián đoạn sinh vật biển và du lịch đã thúc đẩy các cuộc biểu tình. Những điều chỉnh của chính phủ đối với các khu vực phát triển, nhằm giảm thiểu những vấn đề này, lại làm tăng chi phí và tính phức tạp cho các dự án.
Về mặt kinh tế, chi phí xây dựng tăng cao, sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và lãi suất cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến tính khả thi của dự án.
Đặc biệt, những trở ngại trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi không chỉ xảy ra ở Australia. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với những thách thức đáng kể liên quan đến chuỗi cung ứng, quy định và diễn biến kinh tế vĩ mô.
Ví dụ, Orsted, nhà phát triển dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, đã cảnh báo vào tháng 5 về một môi trường đầy thách thức đối với ngành.
Do chi phí và lãi suất cao hơn, công ty đã thông báo rằng họ đã quyết định ngừng phát triển dự án điện gió ngoài khơi Hornsea 4 tại Vương quốc Anh.
Minh Đức (Theo Oil Price, Energy News Beat)