Thêm 1 'lão làng' gắn bó suốt 15 năm rời bỏ Elon Musk: Tesla đang chảy máu chất xám nghiêm trọng, tương lai vô định không biết về đâu

Admin

Sự ra đi của Jones không chỉ là sự kiện cá biệt, mà là tín hiệu báo động cho tình trạng bất ổn đội ngũ quản trị và rủi ro không thể bị xem nhẹ.

Troy Jones, người giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách mảng bán hàng, dịch vụ và giao nhận tại Bắc Mỹ — thị trường quan trọng nhất của Tesla — vừa chính thức ra đi sau hơn 15 năm gắn bó. Động thái được đưa ra trong bối cảnh doanh số hãng xe điện này đang giảm mạnh.

Được biết, Troy Jones rời đi chỉ vài tuần sau khi Omead Afshar — người vừa được Elon Musk bổ nhiệm để quản lý bán hàng và sản xuất tại Bắc Mỹ và châu Âu — bị sa thải. Một tháng trước đó, Giám đốc nhân sự Bắc Mỹ Jenna Ferrua và phó kỹ sư cấp cao phụ trách tối ưu pin cùng nhiều lãnh đạo khác cũng đã ra đi. Màn thay áo bộ máy quản lý cho thấy rõ dấu hiệu đổ vỡ nội bộ, khi Tesla phải đối mặt với áp lực doanh số tại các thị trường cốt lõi.

Theo Reuters, doanh số tại Bắc Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự “già hóa” của bộ sản phẩm, trong khi đối thủ với giá phải chăng hơn đã lấn át Tesla. Cổ phiếu giảm ngay sau khi tin tức về Troy Jones được công bố, phản ánh nỗi lo lắng của nhà đầu tư về sự bất ổn nội bộ. Như Reuters nhấn mạnh, Tesla đang ở giai đoạn chuyển đổi – từ một hãng ô tô chạy đua sản xuất sang một công ty toàn diện về công nghệ, tập trung vào phần mềm tự hành và robot.

Sự ra đi của các lãnh đạo cấp cao như Troy Jones, Afshar, Jenna Ferrua và cả Milan Kovac – lãnh đạo dự án robot Optimus – đã làm nổi bật hai thách thức lớn đồng thời mà Tesla đang phải đối mặt: doanh số giảm sút và cuộc cách mạng nội bộ trong tầm nhìn dài hạn. Trong khi giảm doanh số phải được giải quyết gấp rút bằng các biến động sản phẩm và chính sách giá, định hướng chiến lược dài hạn lại đòi hỏi đội ngũ ổn định để dẫn dắt mảng AI và robotaxi, vốn đang là niềm tin chiến lược của Musk.

Về mặt sản phẩm, công ty đã trình làng bản nâng cấp Model Y (tháng 3), phiên bản gọn hơn của Cybertruck (tháng 4) và cải tiến các dòng cao cấp Model S và Model X (tháng 6) – tất cả nhằm khơi lại sự quan tâm của khách hàng. Về tài chính, hãng tung ra các gói tài trợ tín dụng mua xe giá thấp, song nhà đầu tư vẫn còn e ngại khi biên lợi nhuận thu hẹp lại.

Thực tế, Tesla không “chạy theo khủng hoảng” mà đang đặt cược vào các bước đi lớn hơn: phát triển phần mềm tự hành (Full Self-Driving), ra mắt dịch vụ robotaxi tại Austin và mở rộng sang lĩnh vực robot Optimus. Danh mục này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, bất chấp thị trường có thể thờ ơ trong ngắn hạn.

Vấn đề là, để thực hiện những bước thay đổi ấy, Tesla cần sự ổn định trong đội ngũ – đặc biệt với các vị trí chủ chốt như bán hàng, nhân sự, kỹ thuật và phần mềm tự hành. Thiếu yếu tố này, mục tiêu triển khai và duy trì robotaxi, bán hàng tự động, hay nâng cấp phần mềm có thể bị gián đoạn.

Thêm 1 'lão làng' gắn bó suốt 15 năm rời bỏ Elon Musk: Tesla đang chảy máu chất xám nghiêm trọng, tương lai vô định không biết về đâu- Ảnh 1.

Các nhà phân tích cho rằng Tesla đang trải qua “giai đoạn thử thách” trong đó Musk phải chứng minh khả năng điều hành song hành giữa áp lực doanh số và đam mê dài hạn về công nghệ. Dan Ives, nhà phân tích của Wedbush, chia sẻ rằng Tesla cần nhanh chóng thiết lập “rào chắn quản trị” – để tránh việc CEO chỉ đi theo cảm hứng nhất thời mà lơ là.

Sự ra đi của Jones không chỉ là sự kiện cá biệt, mà là tín hiệu báo động cho tình trạng bất ổn đội ngũ quản trị và rủi ro không thể bị xem nhẹ. Theo The Atlantic, khoảng một phần ba trong số các lãnh đạo từng xuất hiện cùng Elon Musk tại sự kiện “AI Day” cách đây 2 năm đã rời khỏi Tesla.

Để hiểu được mức độ nghiêm trọng, cần nhìn lại thực tế rằng Tesla đang trong giai đoạn tái cấu trúc sâu, chuyển dịch từ một công ty sản xuất xe điện đơn thuần sang một tập đoàn công nghệ toàn diện, định hình lại ngành giao thông bằng phần mềm, dữ liệu, robot và trí tuệ nhân tạo. Nhưng khi hướng đi ngày càng nghiêng về AI, robotaxi và robot hình người Optimus, bộ máy cũ – những người từng định hình sự thành công trong lĩnh vực ô tô – dần cảm thấy mất chỗ đứng. Sự vắng bóng của Drew Baglino – người dẫn dắt mảng nghiên cứu và phát triển pin là minh chứng rõ ràng cho sự “lệch pha” giữa tầm nhìn mới của Musk và đội ngũ thực thi.

Tại sao những người giỏi nhất lại ra đi giữa lúc công ty cần họ nhất? Một phần xuất phát từ phong cách lãnh đạo của Elon Musk – người được ca ngợi là thiên tài có tầm nhìn, nhưng cũng nổi tiếng với cách điều hành bốc đồng, thiếu kiên nhẫn. Theo một số cựu lãnh đạo, môi trường tại Tesla ngày càng trở nên “nghẹt thở” với những kỳ vọng thay đổi quá nhanh, đôi khi thiếu căn cứ thực tiễn. Musk thường đưa ra những mục tiêu siêu việt – như robot hình người có thể thay thế lao động trong 5 năm, hay xe tự lái hoàn toàn vào cuối năm – trong khi đội ngũ kỹ thuật lại phải vật lộn với các giới hạn công nghệ chưa thể vượt qua.

Điều đáng lo ngại là sự chảy máu chất xám không chỉ ảnh hưởng tới vận hành hiện tại mà còn giáng đòn vào tương lai Tesla. Các chuyên gia nhận định rằng mất đi những người như Troy là mất đi các mắt xích có khả năng kết nối giữa tầm nhìn của Musk với sản phẩm thực tế. Không có họ, đế chế của Musk sẽ khó vận hành hiệu quả.

Không ai nghi ngờ tài năng của Elon Musk, nhưng một mình ông không thể gồng gánh toàn bộ đế chế. Trong một thế giới mà tốc độ đổi mới đang là vũ khí cạnh tranh then chốt, mất người – nhất là người giỏi – cũng đồng nghĩa mất thời gian. Và thời gian, với một công ty công nghệ, là tài sản không thể mua lại được.

Theo: WSJ, Reuters