Sống sót để kể câu chuyện từ thung lũng

Admin

Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng là tiểu thuyết đầu tay của Hồ Tấn Vũ - một nhà báo.

Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng - Ảnh 1.

Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng - Ảnh: C.K.

Anh từng viết 1, 2 truyện ngắn, rồi tự lặng đi chắc trong hoài nghi về chữ nghĩa của mình. Đôi khi tuổi trẻ chôn lầm một khao khát vì vô số khao khát khác cũng là lẽ thường. Người ta trẻ để có hơn một khát khao.

Về ngôi làng cô đơn nơi chân núi

Hồ Tấn Vũ trước khi làm báo như một nghề "bắt mắt" hợp thời, ít ai biết anh từng là một thanh niên chui lên từ bóng đêm hầm đá trải dài theo những cánh rừng Quảng Nam, những lòng đất hút mạnh giấc mơ đào "trúng vàng ục" của dân nghèo tứ xứ.

Vũ không đi đến bãi vàng từ đồng bằng bằng phẳng, trước khi mang lý lịch đào vàng anh sinh ra ở thung lũng mờ sương. Từ hiên nhà đứa trẻ huyện miền núi như anh, chỉ cần ngước lên là ôm trọn núi non ngàn đời.

Tôi hay nghĩ một người có "tiểu sử" thăng trầm hẳn phải do đời chọn họ, để nuôi cho đời này một người kể chuyện nhờ vào vốn sống quý báu họ có. Dù cho họ làm báo hay làm công chức với đủ quy chuẩn, thì sứ mệnh kể chuyện dường như luôn thúc vào tim gan họ tháng năm.

Đến một ngày, bạn đọc được cầm trên tay cuốn tiểu thuyết dài. Trên 400 trang sách với nhiều dung lượng kể về ngôi làng cô đơn nơi chân núi, được bao quanh bởi hoa cỏ mây ngàn cùng vô số truyền thuyết, võ đoán mộng mị.

Làng Hạ, nơi không biết là sinh ra hay tụ về của những người nông dân thuần khiết, giàu tưởng tượng và đẫm bi hài kịch. Đàn ông làng Hạ ham uống rượu nhưng kiên cường trong chiến trận, họ ra đi nhiều trở về ít. Đàn bà không chồng ở làng Hạ cũng nhiều vô kể, những đứa trẻ lớn lên đói nghèo nhưng cao thượng, thiết tha.

Thung lũng luôn phập phồng nỗi lo bị thế giới bên ngoài ngọn núi lãng quên nên nương tựa không ngừng vào những ước mơ vươn xa, đi xa. Nhiều lớp người từ biệt, ra đi không biết rõ phía trước, không biết về chết chóc dưới hầm vàng sẽ sập bất cứ lúc nào hay cơn lốc thành thị sẽ xé toạc dự định, giẫm nát chân phương. Rồi họ lại quay về tìm kiếm sự an ủi của làng như hơi ấm mẹ, như trong trẻo tuổi thơ nhưng quê nhà cũng có thể là điểm cuối cùng trong bi kịch.

Hàng trăm trang sách có tính "hùng vĩ" riêng

Văn chương đẹp đẽ đáng để đọc đi đọc lại, có thể nói đó là ưu điểm lớn của Hồ Tấn Vũ trong tiểu thuyết này. Sách dài đầu tay nhưng văn không phải của người tập viết.

Anh tả đám mây trên bầu trời cũng thấy xúc động, người chết vào buổi trưa thì cỡi đám mây "màu trắng bạch", như "một cỗ xe biết bay" mang linh hồn họ về gặp lại người quá cố, Vũ gọi đó là "sự đẹp đẽ cuối cùng cho cái chết".

Tả một cơn gió cũng chạm tình, tả gió và tưởng tượng "Cơn gió này chắc chắn có ai đó điều khiển. Hay là cánh quạt khổng lồ từ hư không đang thổi. Nó khuất lấp giữa ngàn mây và giấu trên trời cao xanh thẳm". Có vẻ chút hiểu biết âm nhạc trong đời thường cũng giúp Vũ, những đoạn văn đều có điểm rơi - nốt trắng dành cho suy ngẫm…

Không phải là tiểu thuyết tái hiện thời cuộc rình rang đa tuyến, cũng không dùng yêu đương diễm tình để thỏa mãn, sách chỉ xoay quanh thế giới nội tâm của nhân vật chính ra đi từ làng Hạ nhưng hàng trăm trang sách Vũ đặc tả về "thế giới hầm sâu" của những đoàn quân rầm rộ đào vàng, hy vọng, yêu đương, tha hóa và cả sáng ngời đều diễn ra trong và ngay trên lòng đất bí ẩn, thật sự là hàng trăm trang sách có tính "hùng vĩ" riêng.

Những trải nghiệm tuổi trẻ đục đá lọc vàng của chính Vũ giờ đây là thước phim tư liệu quý hiếm. Cả sự sống sót kỳ diệu có thật của Vũ bên cạnh biết bao thi thể người cũng được anh tái hiện khốc liệt mà lắng sâu, mở ra cái nhìn nhân văn hơn về thế giới của những con người "dưới đáy sự sống".

Tôi nghĩ làng Hạ đã chọn "đích danh" Vũ làm người kể chuyện. Hầm vàng cũng chọn anh sống sót để kể lại. Có phải vì vậy mà Hồ Tấn Vũ không thể lặng lẽ thêm nữa. Đến lúc Vũ phải dùng văn chương để gọi tên làng, gọi ra những giấc mơ của cha ông, kể về sự thầm kín, chuyến đi bão táp, cú trượt dài…

Người ta luôn đi đủ hướng trong cuộc đời rộng lớn, như Tấn trong truyện, nhưng ai cũng đi ra từ một ngôi làng, trong tổng số "tế bào" hiện tại và tương lai, tỉ lệ đóng góp của nơi sinh ra là không sao tách bạch được.

Quê hương là thứ ám ảnh, nó âm thầm định đoạt cả tính cách và cả cách ta nếm trải buồn vui phúc phận cả đời. Vũ đã kể chuyện làng, chuyện mình trong quyển tiểu thuyết đáng giá này thật hay và hấp dẫn.
Sống sót để kể câu chuyện từ thung lũng - Ảnh 2.Nguyễn Ngọc Tư: Nỗi buồn cũng có vẻ đẹp của nó

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không dùng mạng xã hội, có một nỗi lo khi vừa hoàn thành những quyển sách và thấy hơi tự ái khi được gọi là nhà văn của miền này, miền nọ.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề