Quan chức cấp cao thừa nhận sắp suy thoái, kinh tế Nga đã lộ rõ dấu hiệu hụt hơi

Admin

Sau hơn 2 năm chống chọi với các lệnh trừng phạt và duy trì tăng trưởng bằng các khoản chi tiêu lớn, kinh tế Nga bắt đầu cho thấy dấu hiệu giảm tốc rõ rệt.

Quan chức cấp cao thừa nhận sắp suy thoái, kinh tế Nga đã lộ rõ dấu hiệu hụt hơi- Ảnh 1.

Dữ liệu mới nhất từ S&P Global cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Nga đã giảm mạnh xuống còn 47,5 điểm trong tháng 6/2025, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022 - khi xung đột với Ukraine nổ ra.

Đây là sự đảo chiều này được đánh giá là đáng chú ý so với tháng 5/2025, khi chỉ số PMI đạt 50,2 điểm - cho thấy hoạt động sản xuất vẫn còn mở rộng nhẹ. Theo S&P Global, nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm là do số lượng đơn hàng mới giảm mạnh, trong bối cảnh nhu cầu yếu và đồng rúp lên giá, khiến hàng xuất khẩu của Nga trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế.

Trước tình hình này, nhiều nhà máy đã cắt giảm nhân sự với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2022. Đồng thời, hoạt động mua sắm nguyên vật liệu cũng bị cắt giảm mạnh chưa từng thấy kể từ tháng 3/2022. Tâm lý của các nhà sản xuất Nga vì thế bị ảnh hưởng nặng nề, khi mức độ tin tưởng vào triển vọng kinh doanh rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022.

Các con số mới nhất tạo nên sự tương phản lớn với bức tranh kiên cường mà nền kinh tế Nga từng thể hiện trong thời gian qua. Kể từ sau khi căng thẳng với Ukraine leo thang, Moscow đã tránh được nguy cơ sụp đổ kinh tế nhờ tăng chi tiêu ngân sách, nới lỏng các quy định tài khóa và thúc đẩy sản xuất quốc phòng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đà tăng trưởng này không bền vững. Alexander Kolyandr, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), nhận định đây là đà tăng trưởng nhờ "chất kích thích ngân sách". Ông cho rằng, các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn chỉ giúp Nga tạm thời vượt qua tác động từ trừng phạt phương Tây.

Kết thúc năm 2024, GDP của Nga tăng 4,3%, nhưng sang quý I/2025, tăng trưởng đã giảm mạnh xuống còn 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái - so với mức 4,5% ở quý IV/2024. Thậm chí, Bộ trưởng Kinh tế Maxim Reshetnikov hồi tháng trước đã cảnh báo rằng nước này "đang trên bờ vực suy thoái".

Lạm phát tăng vọt khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải nâng lãi suất lên mức cao 20% để kiểm soát tình hình. Trước bối cảnh hiện tại, giới chuyên gia nhận định chưa thể chắc chắn Nga đang bước vào một đợt "hạ cánh" nhẹ hay một cú sụt giảm nghiêm trọng. Song, xu hướng giảm tốc là điều rõ ràng.

Tham khảo BI