
TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - Ảnh: H.L.
Phát triển kinh tế tư nhân đang gặp không ít rào cản
TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đã nói như trên tại tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân”, do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM tổ chức ngày 27-5.
Theo ông Thành, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mọi nền kinh tế duy trì được tăng trưởng bền vững đều có điểm chung: khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò trung tâm.
Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ tài chính MoMo - Ảnh: H.L.
Ông Từ Tiến Phát, tổng giám đốc ACB, cho hay khi tiếp xúc, nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng sẵn sàng đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam, nhưng họ cần thấy họ trong các chính sách, thể chế của Nhà nước.
Họ cũng quan tâm về chi phí, từ thành lập doanh nghiệp đến vay vốn, thủ tục, số hóa quy trình và hướng đến chuyển đổi xanh…
Trong khi đó ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ tài chính MoMo - cho rằng hiện nay chi phí tuân thủ đang quá lớn, với một doanh nghiệp quy mô vừa đã phải có bộ máy pháp chế lên đến 5 người, nếu tính lương trung bình là 20 triệu đồng/người thì mỗi tháng doanh nghiệp mất 100 triệu đồng riêng cho chi phí tuân thủ. Với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì chi phí còn khủng hơn.
Bà Nguyễn Thanh Hương - giám đốc đầu tư Tập đoàn Nam Long - thẳng thắn nhìn nhận rằng suốt 3-4 năm qua, việc tạm dừng nhiều dự án bất động sản khiến dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài chưa thể đổ vào Việt Nam như kỳ vọng.
“Chúng tôi rất mong chính sách sẽ sớm được cụ thể hóa. Khi các nguồn lực được khơi thông, việc tham gia vào các dự án lớn như phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD) sẽ trở nên khả thi hơn. Nam Long và các đối tác đã sẵn sàng tham gia nếu cơ chế thực thi minh bạch và kịp thời”, bà Hương nhấn mạnh.
Cải cách thể chế phải ở cả hai chiều

Ông Trần Thành Trọng, tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai, phó chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương - Ảnh: H.L.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty T&T Vina, nêu rõ thực trạng mà doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đang gặp phải, đó là “quản không được thì cấm” khiến nhiều sáng kiến và nhu cầu đầu tư bị bó hẹp.
Ở một góc nhìn khác, ông Trần Thành Trọng - tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai, phó chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương - nhấn mạnh vấn đề lớn nhất hiện nay không chỉ là quy định, mà là nỗi sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi.
Ông Trọng cho biết trong quá trình tham gia Hội đồng giám sát doanh nghiệp, ông nhận thấy nhiều cán bộ cấp địa phương không dám quyết vì sợ sai. “Có nhiệm kỳ gần hết rồi mà hồ sơ vẫn chưa được giải quyết. Nếu tinh thần nghị quyết 68 thực sự đi vào từng cán bộ, từng phòng ban thì thời gian xử lý sẽ rút ngắn rất nhiều”, ông nói.
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ số 8 trong nghị quyết 68 - về xây dựng văn hóa cho cộng đồng doanh nghiệp. “Chính doanh nghiệp cũng phải thay đổi, tuân thủ pháp luật, minh bạch và cùng tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh có trách nhiệm. Cải cách thể chế là hai chiều - cả Nhà nước và doanh nghiệp đều phải hành động”, ông Trọng nhấn mạnh.
