Phân làn xe máy, ô tô có theo vết xe đổ?

Admin

Thủ đô đang tiến hành phân làn một số tuyến đường. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo lưu thông văn minh, an toàn cho người dân. Điều quan trọng là không được để thất bại phân làn như nhiều lần trước đó.

Vẫn mơ hồ

Đã 2 tuần kể từ khi là Nội bắt đầu thực hiện phân làn riêng cho xe máy, ô tô tại đường Võ Chí Công và đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hiệu quả vẫn chưa thực sự nổi bật.

Phân làn xe máy, ô tô có theo vết xe đổ?- Ảnh 1.

Ùn tắc tại một ngã tư trên đường Võ Chí Công do thiếu không gian di chuyển cho xe máy. Ảnh: Nguyễn Đức

Tại đường Phạm Văn Đồng (2 làn dành cho ô tô, 3 làn hỗn hợp cho cả ô tô và xe máy), theo ghi nhận của PV, tình hình giao thông nhìn chung ổn định, nhưng nhiều xe máy vẫn đi lẫn vào làn ô tô. Cảnh sát giao thông được bố trí ở một số vị trí, nhưng chưa thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này.

Dù vậy, việc đi lấn làn, sai làn không hoàn toàn do ý thức của người tham gia giao thông. Bởi trong khung giờ cao điểm, làn đường hỗn hợp thường bị quá tải. Nhiều người đi xe máy do bị ép sát vào vỉa hè, đã phải “lách” sang làn ô tô. Mỗi khi xe buýt dừng để đón, trả khách, không gian di chuyển cho xe máy càng bị thu hẹp. Không chỉ vậy, ở một số đoạn, nhiều xe ô tô đỗ ngay dưới lòng đường, khiến người đi xe máy càng khó “nhúc nhích”.

“Nhiều lúc mình muốn đi đúng làn, nhưng thực sự không có chỗ nào để đi. Xe ô tô, xe buýt tràn hết vào làn trong, chưa kể ô tô đỗ dưới lòng đường, xe đi ngược chiều…, thì làm gì còn không gian cho xe máy”, anh Phạm Minh Quyết, một người tham gia giao thông nói.

“Tùy theo tuyến đường, lưu lượng xe máy và xe ô tô sẽ liên tục thay đổi. Do đó, việc phân làn cứng sẽ dễ thành công hơn nếu được áp dụng ở những tuyến có lưu lượng phương tiện ổn định”.

TS Nguyễn Hữu Đức cho

Tuy nhiên, tại các ngã tư cắt ngang đường Phạm Văn Đồng, giao thông được tổ chức khá tốt. Trước khi vào ngã tư, dải phân cách cứng được cắt bỏ, giúp các phương tiện giao thông có thể rẽ trái, rẽ phải, quay đầu… mà không gặp quá nhiều khó khăn.

Còn tại đường Võ Chí Công, các điểm giao cắt thường xảy ra ùn tắc do dải phân cách cứng vẫn kéo dài đến hết ngã tư. Điều này khiến cả xe máy và xe ô tô đều gặp khó nếu muốn chuyển hướng, đặc biệt khi rẽ trái hoặc quay đầu.

“Mỗi khi đến ngã tư, tôi phải đi vòng gần 2 km mới có chỗ quay đầu, nhiều khi bị muộn giờ làm hoặc trễ giờ đưa đón con đi học”, chị Nguyễn Thu Trang, một người tham gia giao thông nói.

Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cơ quan quản lý nên nghiên cứu thêm các giải pháp kỹ thuật như sơn phản quang, gờ giảm tốc hay hệ thống sơn kẻ dẫn hướng trực quan. Bên cạnh đó, để người dân đồng thuận, cơ quan quản lý cần sớm xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả phương án phân làn, chẳng hạn như số vụ tai nạn giao thông có thể giảm, số người thiệt mạng và số ca chấn thương được ngăn chặn…

Từng thất bại nhiều lần

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông (nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải), việc phân tách làn đường cho xe ô tô, xe máy đi riêng có mục tiêu tốt, nhưng tính khả thi thấp nếu vẫn thực hiện theo lối mòn cũ. Về nguyên tắc, càng nhiều xe máy thì việc tách càng khó khăn. Số lượng xe máy cao hơn nhiều so với ô tô (khoảng 70-80% người dân đi xe máy) do đó việc tách làn rất khó. Bên cạnh đó, những người đi xe máy ở ngoại thành thường không nắm được quy định về phân làn, nên cứ vô tư đi sai (làn).

“Hạ tầng giao thông của thủ đô hiện nay chưa tốt. Yếu tố để hòa trộn ô tô với xe máy nhiều hơn yếu tố tách ra đường riêng cho 2 loại phương tiện. Vì vậy, cần tổ chức thêm làn đường dành riêng cho xe máy. Nếu phân làn cứng không hiệu quả, thành phố nên chấp nhận việc phân làn đường hỗn hợp, dùng dải phân cách mềm”, ông Thủy nói.

Ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông nhận định, việc phân làn cứng xe máy và ô tô ở đô thị là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, lý do nhiều người không tin sẽ thành công là bởi trước đây, Hà Nội phân làn chưa quyết liệt nên đã thất bại nhiều lần.

“Trước khi có dải phân cách cứng, một số người có thói quen tiện đâu rẽ đấy để đi đường ngắn nhất có thể. Nhưng khi phải rẽ đúng nơi, quay đầu chỗ, họ không quen, bảo thế bất tiện và lên tiếng phản đối. Nếu ai cũng thích tiện thì xã hội sẽ bất tiện”, ông Thanh nói.

Nhiều nước phân làn thành công dù sử dụng dải phân cách mềm hoặc làn hỗn hợp, là bởi người tham gia giao thông có ý thức cao. Còn ở Việt Nam, phân làn cứng mà vẫn thường xuyên có người đi “nhầm”, nên chưa thể bắt chước họ được. Mỗi nước phải có một phương pháp riêng, phù hợp với bối cảnh nước đó.

Ông Thanh ủng hộ việc tiếp tục phân làn bằng dải phân cách cứng, nhưng cần thực hiện một số thay đổi. Cụ thể, tại đường Võ Chí Công, cần loại bỏ một đoạn dải phân cách cứng trước khi vào ngã tư để các phương tiện có thể rẽ trái, rẽ phải mà không gây ùn tắc.

“Tiếp theo, lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm khắc, triệt để những trường hợp đi sai làn hoặc đỗ xe dưới lòng đường, đi ngược chiều... Và cuối cùng, phải có phương án điều chỉnh giao thông tốt hơn ở các làn hỗn hợp, tạo thêm không gian cho xe máy di chuyển, để họ không phải đi vào làn ô tô”, ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cũng khẳng định cần phải có khoảng cách đủ xa cho các phương tiện rẽ trái, phải, quay đầu… tại những ngã tư.