‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài

Admin

Từ một du học sinh Việt đặt chân đến Ba Lan với hành trang chỉ là hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Trung Dũng phải buôn đủ thứ để mưu sinh nơi đất khách. Con đường khởi nghiệp của ông không trải hoa hồng: nhiều lần đứng dậy, cũng nhiều phen trắng tay, thậm chí có lúc gánh trên vai khoản nợ khổng lồ. Chính những va vấp, cay đắng ấy đã trở thành vốn sống quý giá, để ông truyền lại những bài học tài chính cá nhân sâu sắc và thực tế cho thế hệ trẻ.

Xuất hiện trong chương trình “Shark Tank Việt Nam” mùa 4, ông Nguyễn Trung Dũng - CEO của Dh Foods đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của hai “cá mập”. Ông Dũng đưa ra offer 12 tỷ đồng cho 5% cổ phần, nhưng các Shark yêu cầu 12 tỷ đồng cho 15% cổ phần nên ông đã từ chối, rời chương trình.

Điểm đặc biệt khiến hành trình của ông càng truyền cảm hứng là việc khởi nghiệp ở tuổi 50 - độ tuổi mà nhiều người chọn nghỉ ngơi, ông lại bắt đầu lại từ con số không. Trước đó, ông Dũng có hơn 3 thập kỷ sinh sống và lập nghiệp tại Ba Lan, từng trải qua cả những thành công rực rỡ lẫn thất bại cay đắng nơi đất khách. Nhưng cuối cùng, ông chọn trở về Việt Nam trong hoàn cảnh gần như trắng tay, chỉ mang theo khát vọng và niềm tin mãnh liệt vào sản phẩm mang hương vị quê hương.

Trong tuyến bài Bizmoney, chúng tôi có dịp lắng nghe những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc từ CEO Dh Foods về hành trình bươn chải nơi thương trường, những va vấp đắt giá trong tài chính cá nhân, cùng những thất bại từng khiến ông quay về điểm xuất phát.

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 1.

Ở tuổi 19, với học bổng toàn phần từ Chính phủ, ông còn nhớ đã mang theo gì trong chiếc vali để Ba Lan học tập?

Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi là một trong số ít học sinh tiêu biểu nhận được học bổng toàn phần du học Ba Lan, ngành IT, chuyên ngành Quản trị. Đó là vào năm 1981 - thời điểm mà đối với gia đình tôi, đủ ăn đã là điều xa xỉ. Hành trang lên đường chỉ vỏn vẹn một chiếc vali gỗ cũ kỹ và vài bộ quần áo do nhà nước cấp. Không có hành lý nặng nề, nhưng tôi mang theo một khát vọng lớn được học tập ở trời Tây và đổi đời nhờ tri thức.

Đến nơi, tôi tiếp tục học thêm một năm tiếng Ba Lan trước khi chính thức bước vào chương trình kéo dài 5 năm. Những ngày đầu nơi xứ lạ, cái lạnh như cứa da càng khiến tôi thấm thía sự thiếu thốn. Tôi nhớ rõ tháng đầu tiên, phải chờ đến khi học bổng được giải ngân mới dám mua một chiếc áo khoác dày hay vài món đồ dùng cá nhân cơ bản.

Tiền học bổng khi ấy chẳng đủ trang trải cuộc sống. Tôi buộc phải xoay sở, không phải vì “máu kinh doanh”, mà đơn giản chỉ là nhu cầu sinh tồn. Thế là tôi bắt đầu mang hàng hóa từ Ba Lan sang Đức bán. Khi đó, khoảng cách giá cả giữa hai nước rất lớn, có món lời gấp 4, 5 lần. Tôi nhập mọi thứ, miễn là có thể bán được. Giao thương nhỏ nhưng giúp tôi học được cách nhìn thị trường từ đó.

Thú thật, tôi chẳng tiết kiệm được nhiều. Là sinh viên, lại lần đầu ra nước ngoài, cuộc sống mới mẻ có quá nhiều hấp dẫn: những chuyến du lịch, buổi tiệc tùng, những người bạn từ khắp nơi trên thế giới...

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 2.

Số vốn đầu tiên của ông đến từ đâu, là may mắn, tích lũy hay một bước ngoặt bất ngờ?

Tôi vốn được các anh khóa trên quý mến vì đá bóng hay, uống rượu giỏi. Năm 1982, sau khi học xong tiếng, khi đang loay hoay tìm cách xoay vốn làm ăn, tôi may mắn được một anh khóa trên cho mượn 700 USD - số tiền khổng lồ thời đó. Tôi mang số tiền cùng 2 anh khoá trên đi buôn. Chúng tôi nhập áo phông in hình các ban nhạc nổi tiếng rồi sang Đức bán. Phi vụ tưởng chừng thuận lợi, nhưng sau đó trục trặc, tôi gánh khoản nợ toàn bộ 700 USD.

Tôi mất một năm “cày cuốc” mới trả xong nợ, đều đặn hai tuần một lần sang Đức bán hàng. Tình cảnh ấy chẳng khác gì một sinh viên mới rời quê lên thủ đô, bất ngờ gánh món nợ tương đương 1,5 tỷ đồng. Cuối cùng cũng trả được, xét về tài chính là một thành công nhỏ, nhưng về tinh thần, tôi kiệt sức. Tôi quyết định nghỉ ngơi nửa năm không làm gì cả.

Cuối năm thứ hai, tôi lại hết tiền đúng lúc chuẩn bị về nước thăm nhà. Không còn cách nào khác, tôi tiếp tục đi buôn để có tiền mua vé máy bay, mua quà biếu bố mẹ. Thế nhưng khi về đến nhà, câu nói của bố khiến tôi chùng lòng: “Bố cho con đi học, không phải để đi buôn”. Nghe xong, tôi tự nhủ sẽ tạm gác chuyện kiếm tiền và nghỉ ngơi thêm một năm.

Những lần “kinh doanh quốc tế” trên đều do bất đắc dĩ, chứ chẳng phải do đam mê, chỉ đơn giản là tôi cần tiền trang trải nhu cầu sống. Cũng chính vì những lần buôn bán ấy nên sau này, tôi nhất định không đi theo con đường đó nữa vì khá mạo hiểm, tổn hại trí lực.

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 3.

Trải qua những cú vấp đầu đời không dễ quên, điều gì khiến ông vẫn lựa chọn dấn thân vào con đường kinh doanh sau khi tốt nghiệp?

Tôi nghĩ là vẫn còn duyên. Sau tốt nghiệp Thạc sĩ năm 1989, tôi cùng 4 người bạn góp vốn khởi nghiệp. Trong đó, có 1 người góp 3.000 USD, 1 người 1.500 USD, còn 3 người - trong đó có tôi là không có đồng nào. Tôi được giao phụ trách về Việt Nam tìm hàng và thu mua. Chúng tôi bán những sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ và phất lên rất nhanh chỉ sau 2 năm. Tuy công việc phát triển nhưng lúc này, tôi chưa dư dả vì tiền mặt nằm hết trong hàng hoá. Về sau, nhóm bạn chúng tôi xảy ra xung đột nên tách ra.

Đầu năm 1992, tôi và 2 người bạn quyết định mang mì ăn liền của Việt Nam sang Ba Lan bán. Chúng tôi là người tiên phong cho mặt hàng này tại Ba Lan. Tôi lái chiếc xe con cóc chở mấy thùng mì, ấm siêu tốc, bát đũa nhựa, khăn giấy,... đến từng đại lý chào hàng. Tôi xin phép nấu mì cho khách ăn ngay chỉ trong 3 phút. Hồi đầu, các đại lý chỉ cho tôi ký gửi nhưng sau này hàng đi rất nhanh, công việc phát đạt. Tuy nhiên lại vì một số mâu thuẫn trong quan hệ cá nhân nên cuối năm 1992, chúng tôi tan rã.

Lần này, tôi đã ôm số nợ kếch xù khoảng 20.000 USD. Vì mọi hàng hoá nhập từ Việt Nam, tôi là người đại diện đứng ra vay. Giờ họ đùn trách nhiệm sang tôi, trên “giấy trắng mực đen”, tôi là người ký kết. Bị dồn vào chân tường, tôi phải quay trở lại Ba Lan vay nóng mới có tiền trả nợ, thì phía công ty Việt Nam mới cho nhập hàng tiếp theo. Tôi chấp nhận vay với lãi suất 10%/tháng. Chỉ sau hơn 1 năm, tôi trả hết những người nợ lãi suất 10%, và đi vay tiếp với lãi suất 2%. Cứ thế vài năm sau, tôi mới trả hết nợ.

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 4.

Khi đã trả xong nợ, bắt đầu có khoản tích luỹ, ông bắt đầu sắm sửa những gì cho bản thân? Đó có phải bộ sưu tầm siêu xe, kim cương, đồ hiệu hay BĐS,... như các đại gia khác không, thưa ông?

Công việc phát triển, công ty đi lên, đến đầu năm 1995, 1996, tôi đã trả hết nợ sau 4 năm, có nhiều tiền mặt, đã có thể mua nhà, mua xe, chi tiêu thoải mái.

Công ty của tôi có khoảng 100 người, có mấy chục chiếc ô tô cho nhân viên sale. Tôi cũng mua căn nhà hơn 100m2, chủ yếu đầu tư vào công ty vì doanh số tăng, cần dòng vốn lưu động tăng, trong khi không vay được ngân hàng. Tôi không đốt tiền vào những thú vui, không thích siêu xe, cũng chẳng mê kim cương. Thời điểm đó, tôi có nhiều tiền, danh tiếng, sự uy tín cộng đồng người Việt. Năm 35 tuổi cảm giác như có mọi thứ trong tay khiến tôi tự mãn, cho rằng mình đã quá giỏi. Tôi có thể mua bất cứ thứ gì bản thân yêu thích nhưng chẳng thấy hạnh phúc, sung sướng gì vì tâm trí mệt mỏi trong guồng quay công việc.

Có nhiều tiền, tôi cũng bắt đầu tham gia đầu tư với bạn bè và thu được lợi nhuận. Đến năm 1997, 1998, tình hình kinh tế rơi vào khủng hoảng nhưng tôi không cảm thấy gì vì mọi thứ đang đà đi lên. Tôi còn tham vọng mua đất để xây nhà máy, tạo dây chuyền sản xuất mặc dù chưa có kinh nghiệm sản xuất. Và tôi quyết định đi vay, ngân hàng vui vẻ chấp thuận.

Nhà máy với chi phí khoảng 2 triệu USD đi vào hoạt động, lợi nhuận tăng nhưng chi phí vận hàng mỗi tháng rất cao. Làm được bao nhiêu tiền, tôi dốc hết để trả ngân hàng khiến bản thân không thấy niềm vui của sự đầu tư. Cùng lúc đó, một cổ đông muốn rút 20% cổ phần cùng lãi ngân hàng theo thời gian đóng góp nên tôi đã đi vay tiền mặt với lãi 2%/tháng để trả họ. Cùng lúc này, những mối quan hệ trong gia đình phát sinh khiến tâm trí tôi càng thêm chán chường.

Trong một lần về Việt Nam, một đối tác cũng là cổ đông đề nghị bán công ty và tôi quyết định bán lập tức. Người mua là đại gia đi từ Ukraina tới Ba Lan, thương vụ chỉ kéo dài trong nửa tiếng với giá 6,5 triệu USD. Đồng thời, phía người mua yêu cầu tôi là cổ đông chiếm 20% cổ phần để có trách nhiệm quản lý hoạt động công ty trong giai đoạn đầu.

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 5.

Với số tiền kếch xù sau khi bán công ty, ông đã sử dụng tiếp ra sao - hưởng thụ cuộc sống hay đầu tư thời gian sau?

Cầm 6,5 triệu USD, tôi trả nợ xong xuôi, còn thừa tiền rất nhiều. Tôi đi mua ngay một biệt thự vùng ngoại ô, diện tích đất 17.000m2, diện tích nhà là hơn 400m2. Trong khu biệt thự đó có bể bơi, sân tennis, vườn cây ăn quả, rừng thông, gara riêng, 03 ô tô,... Tôi có 4 người hỗ trợ 24/24 trong khu biệt thự gồm người giúp việc, người làm vườn, người lái xe và bác bảo vệ. Tôi còn mua thêm một nhà nghỉ trên núi cũng mấy trăm m2, vườn vài chục ha.

Tôi cứ nghĩ cuộc sống như vậy là sung sướng, đủ đầy nhưng chỉ được nửa năm là chán. Vì trước đó, tôi đang ở trạng thái năng động rồi đột nhiên nghỉ hẳn công việc - giống như người về hưu nên hụt hẫng. Cả ngày, tôi chỉ dành thời gian vui chơi, nghỉ dưỡng, mua sắm, chẳng hạn như tậu chiếc ti vi tinh thể lỏng 21 inch mới ra với giá 10.000 USD, hay bộ salon cũng lên tới hơn 10.000 USD.

Liên tiếp đạt được những thành công lớn ở những lần khởi nghiệp. Vậy có khi nào ông rơi vào khủng hoảng tài chính, từ đó ông rút ra bài học gì?

Sau quãng thời gian nghỉ ngơi, tôi quyết định khởi nghiệp một lần nữa. Tôi dự định làm nhà xưởng, nhập hàng Thái Lan, mua máy móc bên Hàn Quốc về sản xuất thì đối mặt với biến cố lớn: Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Đang cần số tiền đầu tư lớn nhưng thị trường đi xuống, tiền “chết” trong BĐS nên không rút được. Từ tình trạng tiêu xài thả phanh, tôi rơi vào bước đường cùng, không có thu nhập, trong khi tài sản rất nhiều.

2 năm khủng hoảng cho tôi cảm giác: Tôi là người bất tài. Trước đó, tuy gặp nhiều khó khăn, cơ thể mệt mỏi nhưng do lao lực làm việc, còn lần này, tôi thấy rõ mình bất tài. Tôi khá chủ quan khi luôn nghĩ rằng tiền làm ra dễ dàng, tài sản bán lúc nào cũng được nên không để quỹ dự phòng tiền mặt. Kéo theo đó, khủng hoảng trong gia đình thêm trầm trọng.

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 6.

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 7.

Nhìn lại quãng đường đã đi qua, ông thấy suy nghĩ của bản thân về tài chính có sự khác biệt như thế nào theo giai đoạn?

Sau những cay đắng đã trải qua nửa đời người, tôi trở về Việt Nam với 2 bàn tay trắng, bắt đầu từ con số 0: Không nhà cửa, không tiền bạc, không bạn bè, không mối quan hệ. Tôi được một bên mời về làm thuê với thu nhập 200 triệu đồng/tháng. Nếu ở tuổi 30, chắc chắn tôi sẽ chọn công việc này. Nhưng ở tuổi 50, tôi chọn khởi nghiệp với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tôi đánh đổi mức lương cao để lấy tự do, và tôi tin sẽ làm được. Và với giá trị Dh Foods bây giờ, cho dù tôi làm việc với lương 200 triệu đồng rồi tích cóp cũng không bằng được hiện tại.

Điều thứ hai, tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền. Ngay cả khi có rất nhiều tiền, tôi cũng không vui và không thấy đó là mục đích cuộc sống. Nhiều tiền quá cũng khổ, nhưng không có tiền càng bất hạnh, tôi nghĩ “đủ” là hạnh phúc. Với tôi, “đủ” là đủ tiền để tiêu, để sống, muốn mua gì cũng được, không cần sở hữu, không cần chứng minh với bất kỳ ai. Nghĩa là tôi cảm thấy thoải mái, sống là phải thật vui, khi vui sẽ đầu tư hiệu quả.

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 8.

Còn với vấn đề vay nợ thì sao, thưa ông? Khi nào vay nợ là đòn bẩy đắc lực, khi nào là trường hợp đối mặt với nguy hiểm?

Ngày xưa, tôi cho rằng vay nợ là đòn bẩy, vay được càng nhiều càng tốt. Nhưng lần khởi nghiệp sau này, đến ngày hôm nay, tôi chưa đi vay đồng nào. Tôi đi từng bước chậm mà chắc, không để chủ nợ gây áp lực, không làm nô lệ cho ngân hàng hay ai đó. Tôi làm việc theo nhịp độ của tôi, và xét trong giai đoạn 10 năm, mọi thứ tăng trưởng tốt và đều. Khi tư tưởng tôi thoải mái, nhân viên cũng không chịu áp lực, giúp hiệu quả tăng cao.

Hiện tại, ngoài kinh doanh gia vị Việt, ông có đầu tư các kênh khác như BĐS, cổ phiếu, chứng khoán,...?

Tôi không, vì bản thân chưa có sự am hiểu các kênh này. Quan điểm của tôi là mình không làm những gì mình không giỏi, kẻo ảnh hưởng tới dòng tiền. Việc tìm hiểu, xây dựng hệ sinh thái ở lĩnh vực hoàn toàn mới đâu phải chuyện một sớm, một chiều. Quá mạo hiểm, tôi không chơi.

Dòng tiền là khái niệm cực kỳ quan trọng, cung cấp tiền chi tiêu hàng ngày, hàng tháng. Một công ty được đánh giá “khoẻ” hay không nằm ở dòng tiền, chứ không phải tài sản. Có tài sản mà không bán được cũng dễ sập công ty.

Ông có nghĩ sẽ để lại tài sản thừa kế cho thế hệ con cháu hay không hay có quan điểm nào khác?

Tôi cho rằng thứ đáng để lại cho thế hệ sau không nhất thiết phải là tài sản vật chất hay tiền bạc cố định. Điều tôi mong muốn trao lại là một nền tảng vững chắc về tư duy, giá trị sống và tinh thần tự lập - những "di sản vô hình" nhưng bền vững, có thể giúp con cái tự xây dựng tương lai bằng chính năng lực của mình.

‘Ông trùm’ gia vị Việt từng đi buôn khắp châu Âu, biệt thự và đất bạt ngàn, ô tô vài chục cái vẫn không vui: Tôi ham giàu nhưng chưa đủ độ mê tiền, có giai đoạn cảm thấy bản thân bất tài- Ảnh 9.

Có nguyên tắc nào về tài chính cá nhân nào ông chia sẻ với con cái, nhân viên hoặc các bạn trẻ mong muốn xin lời khuyên?

Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm. Thứ nhất, tiết kiệm để phòng khi bất trắc vì không ai biết ngày mai ra sao. Thứ hai, tiết kiệm để tạo vốn cho những kế hoạch đầu tư, khởi nghiệp. Và cuối cùng, tiết kiệm là để rèn luyện tư duy sống có kỷ luật, không chạy theo tiêu dùng bốc đồng.

Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị!

Bài viết:
Ứng Hà Chi
Thiết kế:
Hà Mĩ