Nữ giúp việc vắt nước từ giẻ lau bếp vào nồi nước uống của gia chủ: Đối diện nhiều hình thức xử lý

Admin

Theo luật sư, hành vi của nữ giúp việc vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và trực tiếp đe dọa đến sức khỏe người khác.

Mạng xã hội đang lan truyền thông tin nữ giúp việc vắt nước từ giẻ lau bếp vào nồi nước uống của gia chủ.

Clip lan truyền gây bức xúc.

Trước đó, chị H. (ở phường Ngọc Thụy) thuê bà O. làm giúp việc từ ngày 16-4. Người phụ nữ quê Nghệ An này được công ty môi giới quảng cáo là "sạch sẽ, nấu ăn ngon, khỏe mạnh, chịu khó…".

Nữ giúp việc vắt nước từ giẻ lau bếp vào nồi nước uống của gia chủ: Đối diện nhiều hình thức xử lý- Ảnh 1.

Hình ảnh bà O. vắt nước từ giẻ lau bếp vào nồi nước uống của gia chủ.

Chị H. cho biết gia đình trả thù lao cho bà O. 9 triệu đồng mỗi tháng. Ngày 11-5, sau một trận đau bụng dữ dội, chị H. kiểm tra lại camera giám sát quay khu vực bếp của gia đình thì phát hiện quá trình đun nước lá tía tô, bà O. không rửa bó rau mà cho vào nồi đun luôn.

Đáng chú ý, người giúp việc còn dùng giẻ lau bếp lau nước tràn ra ngoài rồi vắt vào nồi lá tía tô cho chủ nhà uống.

Thông tin cho thấy Công an phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã lập biên bản, ghi nhận vụ việc và xử lý bước đầu theo quy định. Tuy nhiên, do chưa xác định rõ hậu quả về sức khỏe của chủ nhà, chưa có kết luận giám định y tế nên chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, hành vi của nữ giúp việc là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và trực tiếp đe dọa đến sức khỏe người khác.

Theo quy định pháp luật, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng. Người vi phạm cũng phải bồi thường nếu gây thiệt hại.

Cụ thể, tại Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, bà O. có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 115/2018 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021) với mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Nếu sau này có chứng cứ kết luận từ cơ quan điều tra cho thấy chủ nhà bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, bà O. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Đây là điều luật quy định xử lý người có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm gây hại cho người khác, chẳng hạn như bỏ chất bẩn vào thực phẩm.

Ngay cả khi bà O. nếu không bị xử lý hình sự, chủ nhà vẫn có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu bà O. bồi thường sức khoẻ bị xâm phạm theo Điều 584 và Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015. Các khoản bồi thường có thể gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất tinh thần và các chi phí hợp lý khác phát sinh do hành vi vi phạm gây ra. 

Để việc khởi kiện bồi thường có cơ sở thì chủ nhà phải cung cấp các chứng từ; biên bản làm việc ban đầu tại cơ quan công an, clip camera, hình ảnh, lời khai ghi nhận bà O.,...

Vụ việc người giúp việc cố tình vắt nước bẩn vào nồi nước uống của gia chủ không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức nghề nghiệp mà còn cho thấy những lỗ hổng trong quản lý lao động giúp việc gia đình hiện nay. 

Để phòng ngừa những hệ lụy tương tự, cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều cần nâng cao ý thức pháp luật, đạo đức và trách nhiệm trong quan hệ lao động. 

Song song đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, giám sát hoạt động giới thiệu và sử dụng lao động giúp việc. Từng bước chuyên nghiệp hóa loại hình lao động đặc thù này không chỉ để bảo vệ quyền lợi đôi bên mà còn để xây dựng một môi trường sống văn minh, an toàn và nhân văn hơn.