Theo thông báo chung của 2 bên, hãng hàng không Trung Đông này sẽ mua 130 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 30 chiếc 777-9 - dòng máy bay từng nhiều lần bị trì hoãn do chưa được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận. Ngoài ra, Qatar Airways có quyền chọn mua thêm 50 máy bay nữa, nâng tổng số lên 210 chiếc.
Ngoài ra, Qatar Airways còn ký một thỏa thuận riêng với GE Aerospace để mua hơn 400 động cơ phản lực nhằm vận hành đội bay mới. Đây cũng là đơn hàng lớn chưa từng có của GE Aerospace trong lĩnh vực động cơ máy bay thân rộng.
Thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Qatar của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với sự hiện diện của CEO Boeing Kelly Ortberg và Quốc vương Qatar tại Amiri Diwan ở Doha.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và CEO Boeing Kelly Ortberg.
“Tập đoàn Qatar Airways đang trên hành trình xây dựng đội bay hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường nhất thế giới. Đây là bước tiến quan trọng tiếp theo,” Tổng giám đốc Qatar Airways, Badr Mohammed Al-Meer phát biểu.
Ông Mohammed Al-Meer nói thêm: “Chúng tôi muốn phục vụ hành khách toàn cầu một cách trơn tru và hiệu quả hơn bất kỳ hãng nào khác.”
CEO Boeing Commercial Airplanes, Stephanie Pope, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận: “Đây là một đơn hàng lớn kỷ lục, củng cố vai trò trung tâm của dòng máy bay thân rộng dẫn đầu thị trường của Boeing trong tương lai của Qatar Airways.”
Nhà Trắng cho biết giá trị thỏa thuận là khoảng 96 tỷ USD và sẽ hỗ trợ khoảng 154.000 việc làm tại Mỹ mỗi năm, cùng với đó là hơn 1 triệu việc làm trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Boeing và Qatar Airways ước tính con số thực tế có thể lên tới 400.000 việc làm tại Mỹ.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (bang South Carolina), một trong những người ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận, gọi đây là “bước ngoặt lớn” đối với cả tiểu bang và ngành công nghiệp hàng không Mỹ. Văn phòng của ông cho biết phần lớn các máy bay sẽ được lắp ráp tại nhà máy Boeing ở Charleston.
Trong khi đó, Boeing vẫn đang tìm cách phục hồi sau nhiều năm khó khăn. Từ năm 2018 đến nay, hãng chưa công bố lợi nhuận do liên tiếp gặp phải các vấn đề nghiêm trọng như lỗi kỹ thuật, chậm trễ trong sản xuất, chi phí vượt kiểm soát và một cuộc đình công kéo dài gần 2 tháng của công nhân. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của Boeing, khi Trung Quốc ngừng nhận máy bay mới từ hãng này trước khi dỡ bỏ lệnh cấm sau khi Mỹ và Trung Quốc tạm đình chiến thương mại trong 90 ngày.
Tuy nhiên, theo CEO Ortberg, công ty đang từng bước thu hẹp những khoản lỗ và giải quyết một lượng đơn đặt hàng trị giá hơn 500 tỷ USD.
Thỏa thuận này cũng thu hút sự chú ý về mặt chính trị, khi Qatar được cho là đã đề nghị tặng Mỹ một chiếc Boeing 747 hạng sang để làm máy bay Air Force One mới.
Dù vậy, thỏa thuận giữa Boeing và Qatar Airways vẫn mang lại một cú hích quan trọng cho ngành hàng không Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt và niềm tin vào Boeing đang cần được khôi phục.
Tham khảo CNBC