Trong khi đó, mùa báo cáo thu nhập cũng đang diễn ra ở cả hai bờ Đại Tây Dương và các quan chức tài chính G20 đang chuẩn bị họp tại Nam Phi.
Dưới đây là những sự kiện đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần 14-18/7/2025:
1/ TÁC ĐỘNG TỪ THUẾ QUAN ĐỐI VỚI LÃI SUẤT CỦA MỸ
Chỉ số lạm phát của Mỹ – một dữ liệu quan trọng – công bố vào thứ Ba (15/7) và báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý II/2025 sẽ cung cấp manh mối cho Phố Wall về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể cắt giảm lãi suất.
Theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2025 của Mỹ tăng khoảng 0,3% so với tháng trước đó.
Biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed công bố gần đây cho thấy chỉ "một vài" quan chức Fed nói rằng họ cảm thấy lãi suất có thể được điều chỉnh giảm ngay trong tháng này, trong khi hầu hết các quan chức còn lại vẫn lo ngại về áp lực lạm phát mà họ dự kiến xuất phát từ thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Các hợp đồng quỹ tương lai của Fed ( Fed fund futures) cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp cuối tháng 7 là rất thấp, nhưng khả năng cắt giảm vào tháng 9 lại rất cao.
Tuần tới, các ngân hàng lớn sẽ báo cáo kết quả doanh thu quý II/2025 bao gồm: JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo, trong khi các hãng lớn khác bao gồm Netflix, Johnson & Johnson và 3M cũng công bố kết quả kinh doanh.
Kết quả doanh thu của các công ty Mỹ không mấy khả quan: tăng trưởng thu nhập dự kiến sẽ thấp nhất trong 2 năm. Theo LSEG I/B/E/S, lợi nhuận doanh nghiệp tại các công ty thành viên S&P 500 (SPX) ước tính tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước - chậm lại đáng kể so với mức tăng gần 14% của quý I/2025.

Lạm phát của Mỹ.
2/ VÀ TẠI CHÂU ÂU
Mùa báo cáo kết quả doanh thu quý II/2025 cũng bắt đầu tại châu Âu, vẽ nên một bức tranh ảm đạm.
Thu nhập của các công ty thành viên STOXX 600 ước tính giảm 0,2% sau khi tăng 2,2% trong quý I/2025. Điều này phản ánh nỗi lo của các doanh nghiệp châu Âu về thuế quan.
Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ và cả châu Âu đều không rõ ràng. Chỉ số S&P 500 đang lập những mức cao kỷ lục mới, trong khi chỉ số trên các sàn giao dịch chứng khoán ở châu Âu, bao gồm Frankfurt (GDAXI) và London (FTSE) đang dao động quanh mức cao kỷ lục trước đó, bất chấp những bất ổn cao độ và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đang chậm lại.

Tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp châu Âu
3/TRUNG QUỐC KÍCH THÍCH CHI TIÊU
Vấn đề thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc bớt căng thẳng đã giúp các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước.
Số liệu GDP cua Trung Quốc, dự kiến công bố vào thứ Ba (15/7) cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang tăng trưởng chậm quanh mức mục tiêu mềm của chính phủ, là tăng trưởng khoảng 5%. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ công bố cùng ngày dự kiến sẽ cho thấy người tiêu dùng vẫn đang tiết kiệm thay vì chi tiêu, làm cản trở những nỗ lực của chính phủ nhằm định hướng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng.
Hôm 9/7, Trung Quốc đã công bố các biện pháp mới để ổn định thị trường việc làm, bao gồm tăng trợ cấp bảo hiểm xã hội, cung cấp các khoản vay đặc biệt và hỗ trợ có mục tiêu cho những người trẻ tuổi đang tìm kiếm việc làm.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc.
4/ BỨC TRANH KINH TẾ ANH SÁNG TỐI ĐAN XEN
Với mức lạm phát 3,4%, Vương quốc Anh có mức lạm phát cao nhất trong số các nước G7 - và số liệu CPI dự kiến công bố vào thứ Tư (16/7) sẽ cho thấy áp lực giá cả tại nước này vẫn đang rất căng thẳng.
Một thỏa thuận về thuế quan của Mỹ không quá cao như lo ngại, cùng với đồng bảng Anh tăng giá, có thể giúp Anh chịu được bất kỳ tác động nào từ lạm phát. Về phía người tiêu dùng Anh, mức tăng trưởng lương thường xuyên đã đạt trên 5% trong gần 5 năm qua. Cho đến nay, mọi thứ vẫn tốt.
Nhưng gánh nặng thuế đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1940 và tăng trưởng tiền lương thực tế - sau khi điều chỉnh theo lạm phát - đang chậm lại, chỉ tăng 1,5%, mức thấp nhất trong gần hai năm.
Dữ liệu công bố hôm 11/7 cho thấy nền kinh tế tháng 5/2025 đã suy giảm tháng thứ hai liên tiếp - một tin không mấy tốt lành cho Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, người sẽ có bài phát biểu thường niên tại Mansion House cùng với Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey vào ngày 15/7, cũng như cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Anh.

Tiền lương ở Anh tăng chậm trong khi lạm phát cao.
5/HỘI NGHỊ TÀI CHÍNH G20
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ họp tại Durban (Nam Phi) từ thứ Năm (17/7), dưới sự chủ trì của Nam Phi, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi vấn về hiệu quả của nhóm trong việc giải quyết tình trạng trì trệ trong các vấn đề giảm nợ, tài chính khí hậu và tiếp cận vốn cho các quốc gia đang phát triển.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ không tham dự cuộc họp này- lần thứ hai ông từ chối tham dự một sự kiện G20 tại Nam Phi - để thay vào đó tham dự Triển lãm Thế giới 2025 (Expo 2025 Osaka) tổ chức tại Nhật Bản.

Nợ của các nền kinh tế mới nổi cao kỷ lục.
Tham khảo: Reuters