Người phụ nữ tất toán sổ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng sau 20 năm, ngân hàng thông báo: ‘Không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến sổ này’

Admin

Toàn bộ số tiền gửi vào sổ tiết kiệm của người phụ nữ này đã không còn, thậm chí ngân hàng còn thông báo họ không có thông tin về cuốn sổ.

Sau hơn 20 năm tin tưởng gửi tiền vào sổ tiết kiệm tại một ngân hàng lớn, bà Lý - một người dân tại thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), đã trải qua cú sốc lớn nhất cuộc đời khi phát hiện toàn bộ khoản tiền hơn 330.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng) trong sổ tiết kiệm đã biến mất không dấu vết.

Sự việc bắt đầu khi bà Lý, do cần tiền chữa bệnh, mang sổ tiết kiệm đến Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Hàm Dương để tất toán. Tuy nhiên, bà được nhân viên ngân hàng thông báo: “Không tra được bất kỳ thông tin nào liên quan đến sổ này.” Hơn 330.000 tệ đã hoàn toàn “bốc hơi”.

Người phụ nữ tất toán sổ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng sau 20 năm, ngân hàng thông báo: ‘Không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến sổ này’- Ảnh 1.

Người phụ nữ tất toán sổ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng sau 20 năm, ngân hàng thông báo: ‘Không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến sổ này’- Ảnh 2.

Sổ tiết kiệm và thông tin các khoản tiền gửi của bà Lý nhận từ một người quen là nhân viên ngân hàng.

Bà Lý như bị sét đánh ngang tai. “Đây là tiền cả gia đình tôi dành dụm suốt mấy chục năm, tại sao lại có thể không cánh mà bay được?”, bà đau đớn chia sẻ.

Sau khi báo cảnh sát, kết quả điều tra khiến tất cả sửng sốt: người trực tiếp phát hành sổ tiết kiệm cho bà - một nhân viên ngân hàng tên là Do Mỗ, đã giả mạo toàn bộ thông tin trong sổ. Những con số in trên sổ hoàn toàn là sản phẩm của máy in tại nhà riêng của Do Mỗ.

Theo lời kể của bà Lý, từ năm 2004 đến 2010, bà cùng chồng và mẹ đã gửi tổng cộng 270.000 tệ vào các tài khoản tại Ngân hàng Trung Quốc, chủ yếu là vì muốn “giúp con trai của một người bạn”, tức Do Mỗ, hoàn thành chỉ tiêu huy động tiền gửi.

Người phụ nữ tất toán sổ tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng sau 20 năm, ngân hàng thông báo: ‘Không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến sổ này’- Ảnh 3.

Bà Lý trao đổi với cán bộ ngân hàng.

Đến năm 2017, sau khi chồng và mẹ lần lượt qua đời, bà Lý tìm gặp Do Mỗ để gộp tiền trong các sổ cũ vào một tài khoản mới đứng tên bà. Bà kể lại: “Tôi đưa các sổ tiết kiệm cho cậu ta, cậu ta bảo tôi đứng ngoài đợi, rồi đi vào trong. Hơn một tiếng sau, cậu ta quay ra và đưa tôi cuốn sổ mới, trên đó ghi rõ ràng số dư hơn 330.000 tệ.”

Bà hoàn toàn yên tâm cho đến năm 2023, khi cần tiền chữa bệnh, bà trở lại ngân hàng thì mới vỡ lẽ. Nhân viên ngân hàng yêu cầu bà để lại chứng minh nhân dân và hẹn quay lại sau 1 tuần. Một tuần sau, bà nhận được câu trả lời gây sốc: “Sổ này là giả, không có số tiền nào như vậy cả.”

Bà Lý bắt đầu nghi ngờ Do Mỗ và cố gắng liên lạc nhưng vô ích. Đến tháng 3/2024, bà chính thức nộp đơn tố cáo tại công an Hàm Dương. Đến tháng 5, cảnh sát lập án điều tra và xác định Do Mỗ có hành vi gian lận.

Một phóng viên đã đi cùng bà Lý đến Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Hàm Dương. Tại đây, nhân viên ngân hàng truy được một bản ghi giao dịch ngày 13/6/2004, do Do Mỗ phụ trách. Theo lời bà Lý, hôm đó bà nộp 40.000 tệ, nhưng hệ thống chỉ ghi nhận 840 tệ.

Hóa ra, từ hơn 20 năm trước, Do Mỗ đã bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo này. Tất cả các giao dịch nộp tiền đều trùng khớp thời gian, nhưng số tiền ghi nhận trong hệ thống thì “không cánh mà bay” một cách bí ẩn.

Tuy nhiên, lời giải thích từ phía ngân hàng còn gây phẫn nộ hơn. Phó giám đốc chi nhánh cho biết: Do Mỗ là nhân viên phòng bảo vệ, sau đó chuyển sang bộ phận khác của công ty, nhưng chưa bao giờ phụ trách nghiệp vụ ở bộ phận quản lý tiền gửi. Cuốn sổ bà Lý nhận năm 2017, theo lời ông này, là do Do Mỗ tự in bằng máy in cá nhân tại nhà.

Phía ngân hàng khẳng định “đã có quy trình phòng ngừa rủi ro nội bộ”, nhưng không giải thích được vì sao một nhân viên trái chuyên môn có thể “qua mặt” hệ thống trong suốt thời gian dài như vậy.

Hiện tại, Do Mỗ đã bị bắt giữ và chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát. Theo thông tin mới nhất, Do Mỗ đã thừa nhận chiếm đoạt hơn 200.000 tệ tiền gửi của bà Lý.

Theo Toutiao