Nga tịch thu 50 tỷ USD tài sản tư nhân, không chỉ doanh nghiệp phương Tây mà nhiều doanh nghiệp nội cũng "chịu trận" vì tham nhũng hoặc vi phạm khác

Admin

Quy mô tịch thu tài sản cho thấy Nga đang dịch chuyển nền kinh tế từ trạng thái tương đối mở sang mô hình “pháo đài” giữa vô số lệnh trừng phạt.

Nga tịch thu 50 tỷ USD tài sản tư nhân, không chỉ doanh nghiệp phương Tây mà nhiều doanh nghiệp nội cũng "chịu trận" vì tham nhũng hoặc vi phạm khác- Ảnh 1.

Nga đã tịch thu tổng cộng 3,9 nghìn tỷ rúp (50 tỷ USD) tài sản thuộc sở hữu tư nhân kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra năm 2022, báo cáo của công ty luật NSP Law Firm có trụ sở tại Moscow cho biết.

Trong 3 năm qua, Nga đã thu giữ 102 tài sản trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghiệp nặng đến thực phẩm và ô tô. Một số tài sản bị tịch thu đã được chuyển nhượng lại cho các doanh nghiệp khác hoặc bán lại cho nhà nước.

Trong số các công ty bị nhắm tới có Carlsberg (Đan Mạch) và tập đoàn thực phẩm Danone (Pháp).

Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, nhiều tập đoàn lớn trong nước cũng rơi vào vòng xoáy chuyển giao quyền sở hữu sau các cáo buộc tham nhũng, vi phạm quy trình cổ phần hóa hoặc quản lý kém. Hiện, các công tố viên Nga đang tìm cách tịch thu phần lớn cổ phần của tỷ phú Konstantin Strukov tại công ty sản xuất vàng Uzhuralzoloto cho nhà nước.

Theo hãng tin Interfax, ngân sách Nga đã thu về 132 tỷ rúp từ việc bán tài sản trong năm 2024. Trong đó, khoảng 1/4 số tiền đến từ thương vụ bán Rolf. Đây là chuỗi đại lý ô tô lớn nhất nước Nga, từng thuộc sở hữu của gia đình một nhân vật đối lập hiện đang sống lưu vong.

Tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, chính phủ đặt mục tiêu thu tối thiểu 100 tỷ rúp từ việc bán tài sản tịch thu trong năm nay. Chiến lược tịch thu – tái phân phối tài sản này đang trở thành một công cụ tài khóa không chính thống nhưng hiệu quả trong bối cảnh tài chính quốc gia chịu áp lực từ lệnh trừng phạt.

Quy mô tịch thu tài sản lớn như vậy cho thấy Moscow đang dịch chuyển nền kinh tế từ trạng thái tương đối mở sang mô hình “pháo đài”.

Mặc dù từng cho thấy khả năng thích nghi sau khi chịu nhiều vòng trừng phạt từ phương Tây, kinh tế Nga đang có dấu hiệu chững lại. Một khảo sát của S&P Global công bố gần đây cho thấy hoạt động sản xuất tại Nga sụt giảm mạnh trong tháng 6 – một dấu hiệu cho thấy sức cầu nội địa và đầu tư đang yếu đi.

Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov mới đây thừa nhận rằng nền kinh tế đang “bên bờ vực suy thoái”. Theo số liệu của cơ quan thống kê Rosstat, GDP Nga chỉ tăng 1,4% trong quý 1/2025, giảm mạnh so với 4,5% trong quý 4/2024. Tăng trưởng cả năm 2024 đạt 4,3% nhưng xu hướng chững lại ngày càng rõ rệt.

Trong khi đó, một nhà kinh tế học Thụy Điển nổi tiếng cảnh báo vào tháng 1 rằng, Nga có thể cạn kiệt dự trữ ngoại tệ thanh khoản ngay trong mùa thu năm nay, nếu dòng thu ngân sách không được cải thiện.

Tham khảo: BI, Reuters