Theo hai bài báo mới được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society và Geophysical Research Letters, Sao Thiên Vương - hành tinh được cho là kỳ lạ nhất hệ Mặt Trời - ấm hơn nhiều so với các ước tính trước đây.
Theo Sci-News, Sao Thiên Vương là một "kẻ lập dị" quay nghiêng, nghĩa là mỗi cực đều hướng trực tiếp về phía Mặt Trời trong suốt "mùa hè" kéo dài 42 năm.
Hành tinh này và Sao Kim cũng quay theo hướng ngược lại so với các hành tinh còn lại trong hệ sao của chúng ta.

Sao Thiên Vương là một hành tinh lập dị của hệ Mặt Trời - Ảnh: CHANDRA/NASA
Dữ liệu từ chuyến bay ngang qua Sao Thiên Vương của tàu Voyager 2 của NASA vào năm 1986 còn cho thấy Sao Thiên Vương lạnh bất thường bên trong, khiến các nhà khoa học suy đoán rằng nó già hơn phần lớn các hành tinh khác trong hệ và đã nguội hoàn toàn.
Tuy nhiên theo nhà khoa học hành tinh Amy Simon từ Trung tâm bay không gian Goddard của NASA và là đồng tác giả của bài báo đầu tiên, những dự đoán nói trên chỉ xuất phát từ một phép đo duy nhất, trong một chuyến bay ngang ngắn ngủi.
Sử dụng kỹ thuật mô hình hóa máy tính tiên tiến và xem xét lại dữ liệu trong nhiều thập kỷ, TS Simon và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng Sao Thiên Vương thực sự tạo ra một lượng nhiệt đáng kể.
Nhiệt lượng bên trong của một hành tinh có thể được tính bằng cách so sánh lượng năng lượng mà nó nhận được từ Mặt Trời với lượng năng lượng mà nó giải phóng vào không gian dưới dạng ánh sáng phản xạ và nhiệt phát ra.
Các hành tinh khổng lồ khác của Hệ Mặt trời - Sao Thổ, Sao Mộc và Sao Hải Vương - tỏa ra nhiều nhiệt hơn lượng nhiệt chúng nhận được, phần lớn là nhiệt lượng còn sót lại từ các quá trình năng lượng cao hình thành nên các hành tinh này cách đây 4,5 tỉ năm.
Nghiên cứu thứ hai xác nhận điều này. Cả hai nghiên cứu cũng tính ra được nhiệt lượng mà hành tinh này giải phóng nhiều hơn khoảng 15% năng lượng so với năng lượng mà nó nhận được từ Mặt Trời.
Những nghiên cứu này cho thấy Sao Thiên Vương có nhiệt riêng, mặc dù vẫn ít hơn nhiều so với Sao Hải Vương, hành tinh phát ra năng lượng gấp đôi năng lượng mà nó nhận được.
Một lần nữa, điều này cho thấy chúng ta còn rất nhiều điều cần khám phá về hành tinh này.
Sao Thiên Vương gần đây đã trở thành một trong những mục tiêu được các nhà khoa học hành tinh "chăm sóc đặc biệt", sau khi một số phân tích cho thấy nó có khả năng ẩn chứa đại dương ngầm, thậm chí là một đại dương đầy cá đang bơi lội.
Dự án sắp tới của NASA - sứ mệnh Uranus Orbiter and Probe (UOP) - có thể giúp chúng ta giải đáp nhiều điều.