Kho tiền kỷ niệm, máy bay riêng, 20 biệt thự ở Mỹ: Hé lộ đời tư quan bà Trung Quốc trước cú ngã rúng động

Admin

Lối sống xa hoa của Thượng Quan Vĩnh Thanh là điều ai cũng biết trong giới tài chính tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Theo trang Baijiahao (Trung Quốc), năm 2016, cái tên Thượng Quan Vĩnh Thanh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Tín Sơn Tây – chính thức bị đóng dấu tội phạm sau thông báo "song khai" (khai trừ đảng và cách chức) từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Những hình ảnh về cuộc sống xa hoa cùng mạng lưới quyền lực ngầm của bà ta không chỉ khiến dư luận chấn động, mà còn phơi bày một trong những điển hình về tham nhũng tài chính ở Trung Quốc đương đại.

Kho tiền kỷ niệm, máy bay riêng, 20 biệt thự ở Mỹ: Hé lộ đời tư quan bà Trung Quốc trước cú ngã rúng động- Ảnh 1.

Thượng Quan Vĩnh Thanh – cựu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Tín Sơn Tây (Trung Quốc). Ảnh: Baidu

Khởi đầu kỳ lạ của một “thần đồng tài chính”

Theo hồ sơ chính thức, Thượng Quan Vĩnh Thanh sinh năm 1963 và thi đỗ Học viện Tài chính Sơn Tây năm 15 tuổi. Mốc thời gian này khiến người ta không khỏi đặt dấu hỏi: chẳng phải Thượng Quan đã học tiểu học từ lúc 3 tuổi? Một cán bộ từng làm việc trong hệ thống đoàn thể tại Sơn Tây từng thẳng thừng nhận xét rằng Thượng Quân là "tam giả": giả tuổi, giả học vấn, giả kinh nghiệm công tác.

Con đường quan lộ của Thượng Quan Vĩnh Thanh bắt đầu từ vị trí giao dịch viên tại Ngân hàng Công Thương Trung Quốc chi nhánh Lâm Phần, nhưng bước ngoặt lớn đến khi bà ta được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh Dự Thứ (1998), rồi trở thành người đứng đầu Ngân hàng Công Thương Trung Quốc tại thành phố Tấn Trung (2000) đều thuộc tỉnh Sơn Tây.

Đây cũng là thời điểm Thượng Quan thiết lập mối quan hệ thân thiết với Thân Duy Thần – người sau này giữ chức Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây). Mối quan hệ bất minh này được cho là bệ phóng đưa Thượng Quan Vĩnh Thanh vào hàng ngũ những nhân vật chủ chốt về tài chính của tỉnh Sơn Tây.

Sữa Hàn Quốc, máy bay riêng và “kho” tiền kỷ niệm

Lối sống xa hoa của Thượng Quan Vĩnh Thanh là điều ai cũng biết trong giới tài chính tỉnh Sơn Tây. Từ việc uống sữa tươi nhập khẩu mỗi ngày từ Hàn Quốc đến việc sở hữu chiếc máy bay riêng CRJ-145 trị giá 3,9 tỷ nhân dân tệ (RMB, tương đương 13,1 nghìn tỷ VNĐ) – tất cả đều là biểu tượng cho tầng lớp đặc quyền “ngoài vòng kiểm soát”.

Khi tổ điều tra ập vào biệt thự của Thượng Quan, họ phát hiện 70 thùng tiền kỷ niệm còn niêm phong nguyên vẹn, xếp chồng như trong một kho bạc thu nhỏ. Trong số đó có hàng trăm xấp tờ “Thiên Niên Long” – tờ tiền kỷ niệm phát hành năm 2000, mỗi xấp 1.000 tờ có giá thị trường khoảng 1,6 triệu RMB (5,4 tỷ VNĐ). Tổng giá trị lượng tiền kỷ niệm này có thể làm biến động cả thị trường tiền cổ Trung Quốc.

Còn chiếc máy bay mang số hiệu B-8216, dù được góp tiền từ hơn 10 đại gia ngành than thuộc “Câu lạc bộ bay”, nhưng chỉ phục vụ cho Thượng Quan và các “quý khách”, phần lớn thời gian nằm phủ bụi tại sân bay thành phố Thái Nguyên vì... ít khi được dùng.

Los Angeles và 20 căn biệt thự “ẩn danh”

Điều tra viên cũng phát hiện một mạng lưới tài sản phức tạp tại Mỹ, bao gồm 20 bất động sản đứng tên Thượng Quan Vĩnh Thanh và người thân ở các khu cao cấp như Beverly Hills, San Marino… Các tài sản này được sở hữu thông qua một hệ thống công ty vỏ bọc đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) và Cayman, được che chắn kỹ lưỡng để giấu đi danh tính chủ sở hữu thật.

Một căn biệt thự tại Bel-Air – khu đắt đỏ nhất Los Angeles – được mua thông qua các tài khoản trung gian tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, rồi cuối cùng chuyển tiền vào Mỹ. Đây là mô hình điển hình cho các quan chức tham nhũng chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài: từ Sơn Tây, tiền đi khắp thế giới rồi trở về trong hình hài “bất động sản sạch”.

Mắt xích then chốt trong mạng lưới quyền - tiền

Thượng Quan Vĩnh Thanh không chỉ là một quan chức tài chính, bà ta là mắt xích then chốt kết nối hai thế giới: quyền lực và tiền bạc. Trong "Hội Phần Tửu" – một câu lạc bộ rượu cao cấp ở Bắc Kinh quy tụ gần 40 quan chức cấp cao của tỉnh Sơn Tây, Thượng Quan đóng vai trò như “giám đốc tài chính ngầm”, giúp các đồng liêu xử lý và tẩy rửa khối tài sản bất minh.

Còn “Câu lạc bộ bay” – nơi những đại gia ngành than góp tiền mua máy bay cho bà ta – là biểu tượng rõ nét nhất của trao đổi quyền lực và lợi ích: Cho đi tiền bạc, các đại gia được ưu ái đặc biệt trong các hợp đồng tài chính lớn.

Kho tiền kỷ niệm, máy bay riêng, 20 biệt thự ở Mỹ: Hé lộ đời tư quan bà Trung Quốc trước cú ngã rúng động- Ảnh 2.

Khi tổ điều tra ập vào biệt thự của Thượng Quan Vĩnh Thanh, họ phát hiện 70 thùng tiền kỷ niệm còn niêm phong nguyên vẹn. Ảnh: Baidu

Mô hình “phong bì 2%”

Năm 2008, Thượng Quan Vĩnh Thanh được giao nhiệm vụ thành lập Ngân hàng Tấn Thương, nhận vốn đầu tư từ chính quyền tỉnh Sơn Tây và hàng loạt doanh nghiệp quốc doanh. Dưới tay bà ta, ngân hàng này được vận hành như một công cụ rút tiền chuyên nghiệp. Thượng Quan – giữ chức chủ tịch – và giám đốc điều hành ngân hàng nhận mức lương 1,7 triệu RMB/năm (5,7 tỷ VNĐ), cao nhất ngành lúc đó. Nhưng đáng nói hơn là mô hình “phong bì 2%”: mỗi doanh nghiệp muốn vay vốn đều phải chi thêm 2% phí "tư vấn”.

Bà ta cũng thiết lập nhiều công ty bình phong để nhận “phí tư vấn”, và dùng tiền kỷ niệm làm “quà tặng đặc biệt” – khó bị truy vết nhưng lại cực kỳ giá trị.

Cú ngã và hậu quả

Tối ngày 23/7/2015, tổ kiểm tra Trung ương bất ngờ ập vào trụ sở Tập đoàn Quốc Tín Sơn Tây. Hôm sau, thông báo Thượng Quan Vĩnh Thanh “đang bị điều tra” xuất hiện trên trang web của Tỉnh ủy Sơn Tây. Cả hệ thống tài chính tỉnh Sơn Tây rúng động, nhiều giám đốc ngân hàng cấp tỉnh bị liên đới.

Tháng 5/2016, Thượng Quan chính thức bị khai trừ đảng và cách chức. Tháng 6, bà ta bị bắt giữ và truy tố vì tội danh nhận hối lộ, bị tuyên án 11 năm tù. Tất cả tài sản bất minh, bao gồm máy bay, 70 thùng tiền kỷ niệm, và toàn bộ 20 biệt thự tại Mỹ, đều bị tịch thu.

Vụ án Thượng Quan Vĩnh Thanh đã trở thành hình mẫu trong công cuộc cải cách giám sát ngành tài chính tại Trung Quốc. Kể từ đó, cơ chế “giám sát đặc biệt” đối với giám đốc ngân hàng được áp dụng, cấm các hình thức “phí tư vấn ngầm”, đồng thời giám sát chặt đầu tư bất động sản nước ngoài. Năm 2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mở rộng cơ chế chống rửa tiền ra nước ngoài và ký thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với nhiều nước.

Theo Baijiahao