Hệ Mặt Trời từng có hành tinh thể tích gấp 2.000 lần Trái Đất

Admin

Lớn gấp đôi và mang sức mạnh gấp 50 lần hiện tại, đó là mô tả của các nhà khoa học Mỹ về "thời trai trẻ" của hành tinh đầu tiên hệ Mặt Trời sinh ra.

Viết trên tạp chí khoa học Nature Astronomy, các nhà nghiên cứu Mỹ Konstantin Batygin từ Viện Công nghệ California (Caltech) và Fred C. Adams từ Đại học Michigan đã "đảo ngược" quá trình hình thành của Sao Mộc, hành tinh lớn nhất Thái Dương hệ.

Hệ Mặt Trời từng có hành tinh thể tích gấp 2.000 lần Trái Đất- Ảnh 1.

Khi mới hình thành từ chiếc đĩa khí bụi bao bọc Mặt Trời sơ khai, Sao Mộc là một hành tinh vĩ đại hơn nhiều so với ngày nay - Minh họa AI: Thu Anh

Dựa trên dữ liệu về quỹ đạo của 2 trong số các mặt trăng nhỏ nhất và gần nhất của Sao Mộc là Amalthea và Thebe, mô hình của nhóm nghiên cứu đã "quay ngược thời gian" về thời điểm hệ Mặt Trời mới hình thành 3,8 triệu năm.

Đó là thời điểm then chốt, khi các hạt rắn đầu tiên trong hệ sao của chúng ta xuất hiện.

Khoảnh khắc này đánh dấu sự mờ dần của tinh vân tiền hành tinh, tức đám mây vật chất khổng lồ bao quanh Mặt Trời mới sinh.

Như nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy, hành tinh đầu tiên mà Mặt Trời sinh ra là Sao Mộc.

Độ nghiêng nhẹ của hai mặt trăng Amalthea và Thebe cũng như những dao động quỹ đạo tinh tế của chúng đã giúp các nhà thiên văn ước tính ngược lại Sao Mộc từng lớn và mạnh như thế nào.

Theo SciTech Daily, mô hình của họ đã cho thấy Sao Mộc thời kỳ đầu có thể tích tương đương hơn 2.000 Trái Đất và được bao bọc trong một từ trường đủ mạnh để định hình môi trường xung quanh theo những cách ấn tượng.

So sánh với Mộc Tinh hiện tại, phiên bản quá khứ vĩ đại này có kích thước gấp đôi và từ trường mạnh gấp 50 lần.

Phát hiện này củng cố thêm cho giả thuyết mà nhiều nghiên cứu trước đó đã đưa ra, rằng sự phát triển và di chuyển của Sao Mộc trong hệ Mặt Trời sơ khai đã ảnh hưởng đáng kể đến sự hình thành và vị trí của các hành tinh khác ngày nay, bao gồm Trái Đất.