Elon Musk lấy Tesla làm công cụ 'nuôi' một startup đang đốt 13 tỷ USD mỗi năm: Chiến lược thiên tài hay tự sát?

Admin

Elon Musk đang xóa nhòa ranh giới giữa các công ty do mình sở hữu, điều hành.

Trong tuần qua, Elon Musk đã hé lộ hai động thái tiềm năng nhằm bơm vốn vào công ty trí tuệ nhân tạo (AI) xAI thông qua hệ sinh thái kinh doanh rộng lớn của mình.

Cuối tuần vừa rồi, Musk cho biết cổ đông của Tesla sẽ bỏ phiếu về khả năng đầu tư vào xAI, sau khi phản hồi một bài báo của Wall Street Journal tiết lộ rằng SpaceX đang xem xét rót 2 tỷ USD vào startup AI này. Trước đó trong tuần, tỷ phú này cũng thông báo rằng chatbot Grok của xAI sẽ được tích hợp vào xe Tesla “muộn nhất là tuần tới”.

Việc Musk nghiêng về AI không phải là điều bất ngờ – ông đã nhiều lần nhấn mạnh điều này trong các cuộc họp báo cáo tài chính của Tesla suốt năm qua. Tuy nhiên, điều khiến chiến lược của ông khác biệt, theo các nhà phân tích, là cách ông pha trộn ranh giới giữa các công ty của mình.

“Điều khác biệt ở đây là mối quan hệ và sự đan xen giữa các công ty tư nhân và công ty đại chúng (Tesla)”, Garrett Nelson – Phó Chủ tịch cấp cao kiêm nhà phân tích cổ phiếu tại CFRA Research chia sẻ với Business Insider. “Phần lớn công ty khác đều triển khai mọi thứ dưới một mái nhà duy nhất”.

Đây không phải là lần đầu tiên Musk xóa nhòa ranh giới giữa các công ty, nhưng là tín hiệu mới nhất cho thấy “Musk Inc.” – tập hợp các công ty dưới quyền ông – đang xoay trục mạnh mẽ sang AI.

Tesla không chỉ là hãng xe, mà là “công ty robot AI”

Musk từ lâu đã thúc đẩy định vị Tesla như một công ty về AI và robot, khi ưu tiên các dự án như lái xe tự động, robot hình người (Optimus) và phát triển siêu máy tính Dojo – nỗ lực đầy tham vọng nhằm cạnh tranh với Nvidia.

Trong cuộc họp quý năm 2024, Musk tuyên bố: “Chúng tôi nên được xem là một công ty robot AI. Ai nghĩ Tesla chỉ là công ty ô tô thì đang nhìn sai hướng”.

Sự ra mắt gần đây của dịch vụ robotaxi tại Austin càng làm nổi bật định hướng này, nhất là khi mảng ô tô truyền thống của Tesla đang gặp khó khăn về doanh số.

Musk từng quảng bá "Muskonomy" – một khái niệm mô tả lợi ích khi đầu tư vào đế chế của ông (bao gồm SpaceX, X, xAI và The Boring Company) – như một cách để cổ đông tiếp cận toàn bộ hệ sinh thái Musk. Ông thậm chí từng tuyên bố sẽ ưu tiên các cổ đông lâu năm của Tesla nếu một trong các công ty của ông IPO.

Garrett Nelson cho rằng việc Musk sử dụng tài nguyên chéo giữa các công ty có thể giúp Tesla đáp ứng nhu cầu AI, đặc biệt là với tham vọng xe tự lái: “Tesla cần một lượng dữ liệu khổng lồ nếu muốn mô hình lái xe tự động của mình thành công và có thể mở rộng. Điều đó yêu cầu xây dựng một mạng nơ-ron toàn cầu”.

Tuy nhiên, việc chia sẻ tài nguyên giữa các công ty cũng tiềm ẩn rủi ro.

Nguy cơ từ chatbot Grok và ưu tiên “gây tranh cãi”

Tuần trước, chatbot Grok đã gây tranh cãi với những phát ngôn bài Do Thái trên nền tảng X, làm dấy lên lo ngại về việc tích hợp AI này vào xe điện Tesla. xAI sau đó đã xin lỗi và cho rằng những phản hồi cực đoan của Grok là do thuật toán được cập nhật để ưu tiên tương tác, có thể đã phản ánh nội dung cực đoan từ người dùng trên X.

Năm ngoái, Musk cũng khiến nhà đầu tư lo lắng khi chuyển một lô chip Nvidia trị giá 500 triệu USD từ Tesla sang X và xAI. Khi bị chất vấn trong cuộc họp cổ đông Tesla, ông cho rằng điều đó có lợi vì khi đó Tesla chưa đủ cơ sở hạ tầng để sử dụng số chip này.

Theo Gadjo Sevilla, nhà phân tích tại EMARKETER, Musk có thể đang dựa vào Tesla và SpaceX – những công ty đã “trưởng thành” hơn – để nuôi xAI. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng việc Musk từng chuyển GPU từ Tesla sang xAI cho thấy ông ưu tiên AI hơn, và điều đó có thể làm chậm tiến độ đổi mới ở Tesla.

“Chiến lược rút tài nguyên từ công ty này để chống lưng cho công ty khác có thể gây tổn hại”, Sevilla nói. “Đặc biệt là khi các hãng ô tô khác đang tập trung toàn lực vào phát triển xe điện”.

Musk hiện dường như loại trừ khả năng sáp nhập Tesla và xAI. Khi một người dùng trên X hỏi liệu cổ đông có nên cân nhắc việc gộp Tesla và xAI, Musk trả lời ngắn gọn: “Không”.

ĐỐT TIỀN

Dù việc đầu tư vào AI có thể hợp lý về chiến lược, nó đi kèm chi phí cực kỳ đắt đỏ.

Việc phát triển, huấn luyện và triển khai các hệ thống AI nền tảng như Grok 4 của xAI có thể tiêu tốn hàng chục tỷ USD.

Tháng 3 vừa rồi, Musk thông báo xAI đã mua lại X bằng hình thức trao đổi cổ phiếu, định giá startup AI này trong khoảng 33 đến 80 tỷ USD. Kể từ khi thành lập xAI cách đây hai năm, ông đã gọi vốn mạnh tay – khoảng 12 tỷ USD trong các vòng Series A, B và C vào năm ngoái.

Tuy nhiên, xAI dự kiến sẽ chi khoảng 13 tỷ USD trong năm nay, và đang “đốt tiền” rất nhanh.

Thách thức chi phí của Musk không phải là trường hợp cá biệt. Trong một lá thư gửi Tổng chưởng lý California hồi tháng 5, OpenAI cũng bày tỏ lo ngại về việc cạnh tranh với các đối thủ “có nguồn lực tài chính mạnh hơn nhiều”.

Trong khi đó, các ông lớn công nghệ như Amazon, Microsoft, Google và Meta chưa hề có dấu hiệu giảm tốc chi tiêu cho AI. Các báo cáo tài chính đầu năm cho thấy, tổng chi tiêu vốn (capex) của nhóm này dự kiến sẽ vượt 320 tỷ USD trong năm 2025, tăng mạnh so với 246 tỷ USD năm 2024. Amazon dự kiến chi hơn 100 tỷ USD cho AWS và hạ tầng AI. Meta cho biết sẽ chi 60 – 65 tỷ USD chỉ riêng cho capex năm nay.

Chưa kể, vào thứ Hai tuần này, Mark Zuckerberg tuyên bố Meta sẽ chi “hàng trăm tỷ USD” để xây dựng siêu trí tuệ (superintelligence). Cổ phiếu Meta lập tức tăng 1,3% sau thông tin này – cho thấy các nhà đầu tư không lo công ty chi quá nhiều cho AI, mà ngược lại, lo sợ rằng chi chưa đủ sẽ khiến tụt lại phía sau.

Theo: BI