Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, Đức đã thông qua luật mang tên "Bundeswehrbeschaffungsbeschleunigungsgesetz" (luật hiệu quả mua sắm của lực lượng vũ trang liên bang) nhằm đẩy nhanh quá trình mua sắm trực thăng, xe tăng và khinh hạm cho quân đội nước này.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz phát biểu tại Hanover.
Theo Telegraph, tại Đức - một quốc gia nổi tiếng với bộ máy quan liêu cồng kềnh, việc mua sắm vũ khí đang được tinh giản như một phần trong kế hoạch tái vũ trang của Thủ tướng Friedrich Merz.
Luật này được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà thầu quốc phòng và các nhà đàm phán thương mại, nhưng trớ trêu thay, đây lại là một trong những từ dài nhất trong tiếng Đức và khó phát âm.
Được thông qua vào ngày 23/7, các nhà lãnh đạo Đức hy vọng luật "Bundeswehrbeschaffungsbeschleunigungsgesetz" sẽ đơn giản hóa quy trình mua sắm vũ khí và trang thiết bị tại nước này.
Điều này sẽ cho phép các công ty quốc phòng lớn ký kết hợp đồng nhanh hơn, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực quốc phòng mới, chẳng hạn như lĩnh vực máy bay không người lái.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius được cho là đang thất vọng vì sự chậm trễ kéo dài trong việc mua sắm trang thiết bị mới cho Bundeswehr - lực lượng vũ trang Đức, chẳng hạn như khinh hạm và xe bọc thép.
Theo trang tin Tagesschau (Đức), Bộ Quốc phòng của ông đặc biệt lo ngại về tiến độ của dự án khinh hạm F126, dự kiến sẽ bị trì hoãn ít nhất 2 năm.
Một hợp đồng khác với một công ty Hà Lan để cung cấp sáu tàu cho hải quân Đức vào năm 2028 cũng đã bị đình trệ, Tagesschau cho biết, trong bối cảnh có đồn đoán rằng thỏa thuận này có thể bị hủy bỏ hoàn toàn.
Một dự án trị giá hàng tỷ euro nhằm cung cấp Heavy Weapon Carrier - một loại xe bọc thép công nghệ cao chở vũ khí hạng nặng - cũng đang bị trì hoãn.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thăm Phòng thí nghiệm Đổi mới của Quân đội Đức. Ảnh: Angelika Warmuth
Theo Telegraph, luật Bundeswehrbeschaffungsbeschleunigungsgesetz là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Đức nhằm trở thành cường quốc an ninh lớn để ứng phó trong bối cảnh diễn ra xung đột Nga - Ukraine.
Thủ tướng Merz tuyên bố "Đức đã trở lại" và đã thông qua các cải cách lịch sử để mở khóa khả năng chi tiêu công không giới hạn cho các dự án quốc phòng mới của Đức.
Nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu này đã cam kết thực hiện mục tiêu của NATO là chi 5% GDP cho quốc phòng, và cũng đang cân nhắc việc quay lại thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, vốn đã bị Đức bãi bỏ vào năm 2011 vì được cho là không còn cần thiết.
Năm nay, Bundeswehr đã triển khai đợt triển khai quân thường trực đầu tiên ở nước ngoài kể từ Thế chiến II, gửi một lữ đoàn thiết giáp đến Litva để giúp bảo vệ biên giới phía đông của NATO với Nga.
Dài 43 ký tự, Bundeswehrbeschaffungsbeschleunigungsgesetz là một trong những từ dài nhất trong tiếng Đức, Telegraph đưa tin.
Đức vốn không xa lạ gì với những cái tên rất dài cho các đạo luật và quy định kinh doanh, chẳng hạn như “Rindfleischetikettierungsueberwachungsaufgabenuebertragungsgesetz” - một quy tắc cổ xưa về tiêu chuẩn thịt bò, từng là từ dài nhất trong tiếng Đức.
Từ tiếng Đức chính thức dài nhất, gồm 72 ký tự, là "Donaudampfschiffahrtselektrizitätenhauptbetriebswerkbauunterbeamtengesellschaft", đề cập đến một hiệp hội thương mại tàu hơi nước.