Doanh nghiệp Mỹ gấp rút gom hàng từ Trung Quốc bất chấp chi phí tăng vọt, chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng: Thuế giảm, giá cả ‘chưa chắc’ giảm

Admin

Việc Mỹ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc khiến người tiêu dùng kỳ vọng sẽ sớm được hưởng lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giảm này có thể không rõ rệt.

Vì thời gian áp dụng mức thuế mới chỉ kéo dài tạm thời trong 90 ngày, các doanh nghiệp đang gấp rút chốt đơn và đẩy nhanh việc vận chuyển hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc về Mỹ. Họ hy vọng kịp nhập khẩu khi mức thuế chỉ còn 30%, thấp hơn nhiều so với mức 145% trước đó. Nhưng để làm được điều này, họ phải chấp nhận chi phí, từ sản xuất đến vận chuyển, sẽ cao hơn.

Những chi phí phát sinh đó đang ăn vào lợi ích mà lẽ ra doanh nghiệp được hưởng từ mức thuế giảm. Với người tiêu dùng, điều này đồng nghĩa giá nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc có thể vẫn neo ở mức cao.

Sau cuộc gặp giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Geneva đầu tháng này, cả hai bên cùng đồng ý tạm thời giảm thuế trong 90 ngày và tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo quyết định này sẽ kéo dài trọn vẹn 3 tháng. Cũng không rõ mức thuế sau thời hạn đó sẽ là bao nhiêu.

Giám đốc điều hành Andrew Rader tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng toàn cầu Maine Pointe cho biết các khách hàng doanh nghiệp mà ông đang hỗ trợ đều ghi nhận chi phí sản xuất ở Trung Quốc đồng loạt tăng.

Các nhà máy tại Trung Quốc bắt đầu trả lương làm thêm cho công nhân và tăng thưởng. Giá các nguyên vật liệu đầu vào thiết yếu cho hàng tiêu dùng như nhựa và kim loại cũng tăng trên 10%.

Không dừng lại ở đó, khi lượng đơn hàng tăng vọt, nhiều nhà máy nâng mức đơn hàng tối thiểu mà doanh nghiệp phải đặt. Điều này buộc nhiều công ty phải chịu thêm chi phí lưu kho vì số lượng hàng hoá lớn hơn mong muốn. Thay vì chỉ dự trữ cho 3 tháng, một số đơn vị phải nhập hàng đủ cho 6 tháng.

Theo ước tính của ông Rader, chi phí sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc mà doanh nghiệp Mỹ phải trả đã tăng thêm 15% đến 25%. Đó là chưa tính phí vận chuyển cũng đang tăng mạnh và thuế nhập khẩu 30% hiện hành.

Dù vậy, mức phí này vẫn thấp hơn đáng kể so với thời điểm thuế nhập khẩu ở mức 145%.

Phần chi phí gia tăng mà doanh nghiệp phải gánh nhiều khả năng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá bán lẻ không nhất thiết sẽ tăng, vì nhiều công ty có xu hướng chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để giữ chân khách hàng.

Song, giá cả không phải yếu tố duy nhất khiến người dùng lo lắng.

Giáo sư chuyên ngành phân tích kinh doanh Andy Tsay tại Đại học Santa Clara cho biết rủi ro trong chuỗi cung ứng có thể phản ánh bằng nhiều hình thức khác. Ví dụ, các mặt hàng có thể thường xuyên rơi vào tình trạng hết hàng do khó khăn trong khâu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một hệ quả khác là các mặt hàng giảm giá có thể xuất hiện ít hơn và mức giảm cũng nhỏ hơn. Ngoài ra, một số sản phẩm mới có thể không được tung ra thị trường như dự kiến.

Bên cạnh đó, việc thuế quan thay đổi liên tục còn khiến giá cả tại Mỹ có nguy cơ “kẹt” lại ở mức cao, kể cả khi Tổng thống Donald Trump có điều chỉnh chính sách sau đó.

Theo CNN