Chính phủ trình chính sách cho phép doanh nghiệp tư nhân làm dự án trọng điểm

Admin

Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế xã hội.

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo nghị quyết gồm 7 chương, 17 điều quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; áp dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chính phủ trình chính sách cho phép doanh nghiệp tư nhân làm dự án trọng điểm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Thắng cho biết để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Dự thảo Nghị quyết quy định hai chính sách cho nhóm doanh nghiệp này.

Nhóm chính sách thứ nhất: Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, trong đó có đường sắt tốc độ cao, đô thị, công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, hạ tầng năng lượng...

Theo đó, Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.

"Người có thẩm quyền, chủ đầu tư lựa chọn hình thức đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc hình thức khác theo quy định pháp luật để thực hiện các dự án chiến lược, trọng điểm quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đô thị, công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ khẩn cấp, đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm", ông Thắng nói.

Chính phủ trình chính sách cho phép doanh nghiệp tư nhân làm dự án trọng điểm- Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp sáng 15/5. (Ảnh: Media Quốc hội).

Nhóm chính sách thứ hai: Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Nghị quyết quy định Nhà nước bố trí ngân sách cho hai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân theo hai chương trình: Phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xanh, công nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ; vươn ra thị trường quốc tế (Go Global), hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp và kết nối với tập đoàn đa quốc gia.

Nghị quyết còn đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công.

Việt Nam hiện có gần 450 khu công nghiệp với tổng diện tích 93 nghìn ha, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận do giá thuê cao. Vì vậy dự thảo Nghị quyết đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận đất đai,

Ví dụ, ngân sách địa phương được dùng để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, bao gồm: bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng; và công trình giao thông, điện, nước, thoát nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc...

Khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới thành lập phải có diện tích tối thiểu 20ha/khu, hoặc 5% tổng diện tích đất đã đầu tư hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu sau 2 năm hoàn thành hạ tầng mà chưa có doanh nghiệp trên thuê, chủ đầu tư được cho thuê cho doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, để tháo gỡ nút thắt về tiếp cận vốn, tăng năng lực tài chính cho kinh tế tư nhân, dự thảo Nghị quyết đưa ra một số giải pháp về hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn, ESG; hỗ trợ tài chính qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu đãi thuế, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu...