Cần cơ chế tháo gỡ cho các doanh nghiệp nông lâm ở các địa bàn khó khăn

Admin

Nhiều doanh nghiệp nông, lâm trường tại tỉnh Đắk Lắk đang gặp khó vì chính sách truy thu tiền thuê đất đang mong chờ một cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, bảo vệ rừng và phát triển bền vững.

Tại Đắk Lắk, hàng chục doanh nghiệp lâm nghiệp được giao đất từ nhiều năm trước để trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan – như thiếu hướng dẫn thủ tục, thiếu thông tin về chính sách, tình trạng đất bị xâm canh, lấn chiếm – các doanh nghiệp đã không thể hoàn tất hồ sơ xin miễn, giảm tiền thuê đất theo đúng quy định trong giai đoạn từ 2006 đến 2016.

Hệ quả là đến năm 2017, sau khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra, hơn 17 doanh nghiệp bị kiến nghị truy thu tiền thuê đất với tổng số tiền trên 54 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn so với năng lực tài chính của các doanh nghiệp đang hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thiếu vốn, thiếu nhân lực, và hạ tầng còn nhiều khó khăn.

Cần cơ chế tháo gỡ cho các doanh nghiệp nông lâm ở các địa bàn khó khăn- Ảnh 1.

Bà con Đắk Lắk sản xuất cà phê. Ảnh: VOV.

Không chỉ bị truy thu tiền thuê đất, các doanh nghiệp còn bị “treo” phương án sử dụng đất, không thể tiếp cận vốn tín dụng, không triển khai được các dự án đầu tư, trong khi vẫn phải trả lương cho hàng nghìn lao động. Cùng lúc đó, hàng chục nghìn héc-ta rừng và đất lâm nghiệp rơi vào tình trạng không được quản lý hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ bị khai thác trái phép hoặc hoang hóa.

Đáng chú ý, trong khi các đơn vị sự nghiệp công lập được miễn truy thu dù chưa hoàn tất thủ tục (theo khoản 3, Điều 51 Nghị định 103/2024/NĐ-CP), thì các doanh nghiệp tư nhân – những đơn vị đóng vai trò chủ lực trong hoạt động trồng rừng, quản lý đất đai – lại không được áp dụng cơ chế tương tự.

Tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã nhiều lần họp Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp, gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, các đề xuất như không truy thu tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp đã "bỏ lỡ" thủ tục vì nguyên nhân khách quan vẫn chưa được tiếp thu vào dự thảo sửa đổi các nghị định hiện hành.

Thực tế này cho thấy, các quy định hiện hành, dù có tính cải cách nhất định, vẫn chưa đủ để xử lý các bất cập phát sinh từ cuộc sống. Do đó, cần có một nghị quyết, cơ chế đặc thù để tháo gỡ toàn diện các nút thắt trong chính sách đất đai sao cho linh hoạt hơn.

Cụ thể, cần xem xét sửa đổi điểm c, khoản 5, Điều 51 Nghị định 103/2024/NĐ-CP theo hướng: không chỉ miễn, giảm tiền thuê đất cho “thời gian còn lại”, mà cho phép áp dụng chính sách hồi tố đối với toàn bộ thời gian thuê đất nếu doanh nghiệp đủ điều kiện được miễn, giảm theo quy định pháp luật tại thời điểm đó. Đây là bước đi cần thiết để thiết lập lại sự công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp, đồng thời cứu lấy các đơn vị đang bên bờ vực phá sản vì gánh nặng truy thu.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên xử lý các trường hợp đất bị xâm canh, lấn chiếm kéo dài; tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp được lập, điều chỉnh phương án sử dụng đất linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Luật Đất đai 2024 đã mở ra một cánh cửa mới trong cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng rất cần một quyết sách đặc thù để giải bài toán đất đai còn nhiều vướng mắc trong thực tế.