Cán bộ 'bật đèn xanh' cho doanh nghiệp buôn hàng giả, Thủ tướng chỉ đạo khẩn

Admin

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, sỹ quan có biểu hiện suy thoái đạo đức, tham nhũng, tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, hàng giả.

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Công điện số 72 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Công điện nêu rõ, đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bước đầu phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm trong sản xuất, buôn bán sữa, thuốc, thực phẩm giả...

Cán bộ 'bật đèn xanh' cho doanh nghiệp buôn hàng giả, Thủ tướng chỉ đạo khẩn- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Phạm Thắng)

Song, Thủ tướng nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Để tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh đợt tấn công cao điểm sôi động, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực hơn nữa.

" Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, sỹ quan có biểu hiện suy thoái đạo đức, tham nhũng, tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật ", công điện nêu rõ.

Thủ tướng đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị tại địa phương tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, hoàn thành trong tháng 5.

Bộ trưởng Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý ngay một số hạn chế, bất cập của Luật an toàn thực phẩm theo kiến nghị của các bộ, ngành, nhất là kiến nghị của Bộ Công an. Việc này hoàn thành trước ngày 5/6, bảo đảm trình Quốc hội trong tháng 6.

Thời gian qua, nhiều cán bộ nhà nước vướng vào vòng lao lý khi tiếp tay cho các đơn vị sản xuất hàng giả, hàng nhái. Ngày 13/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cùng 4 đồng phạm về tội nhận hối lộ trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP dược phẩm liên danh MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Cựu Cục trưởng An toàn thực phẩm thường xuyên làm ngơ, tiếp tay cho việc thẩm định, hậu kiểm, cấp giấy chứng nhận cho Nhà máy MediPhar và Nhà máy Mediusa sản xuất nhiều mặt hàng giả.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nói, hành vi của nhóm cựu cán bộ nêu trên không chỉ tiếp tay cho sai phạm của doanh nghiệp, mà chẳng khác gì "gián tiếp đầu độc người dân".

Các cơ quan điều tra cần làm rõ cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đã làm hết trách nhiệm hay chưa. "Đừng để xảy ra tình trạng chỉ quyết liệt với một vài cơ sở, nhưng nhiều chỗ thì vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật", ông Hòa nêu.