Đông Anh là một trong những vùng đất cổ có vị thế hết sức đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, ở trung tâm châu thổ sông Hồng. Tại Đông Anh, có hàng loạt di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, phản ảnh quá trình phát triển liên tục của dân tộc ta từ thuở sơ khai qua các thời kỳ đồ đồng, đồ đá và đồ sắt mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, vẫn được coi là nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.
Gắn liền với các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, hiện ở vùng đất Đông Anh còn lưu giữ được 4 hiện vật và nhóm hiện vật tiêu biểu được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa (văn hóa Đông Sơn - thế kỷ III TCN), Trống đồng Cổ Loa và sưu tập lưỡi cày đồng Cổ Loa (văn hóa Đông Sơn - thế kỷ III TCN), tượng vua An Dương Vương (niên đại 1897) và Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung Hưng.
Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa
Tại nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) đang lưu giữ những khuôn đá sa thạch dùng để đúc mũi tên và lao đồng có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn - sơ kỳ thời đại đồ sắt, thuộc thế kỷ III - II TCN. Đây là giai đoạn được các nhà khảo cổ học định danh là giai đoạn Cổ Loa - thời kỳ vua An Dương Vương đóng đô ở ngôi thành Cổ Loa và nhà nước Âu Lạc trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Những khuôn đúc này được phát hiện cùng với di tích lò đúc đồng khi Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đào thám sát và khai quật khảo cổ học trước khi trùng tu di tích đền Thượng ở Cổ Loa từ năm 2004 - 2007.

Khuôn đúc Cổ Loa.
Di tích lò đúc còn rõ cấu trúc đường ống dẫn gió vào lò, những tàn tích than tro của nhiên liệu đốt đậm đặc, quanh nơi có lò luyện, kết hợp với những mang khuôn nguyên vẹn, mang khuôn vỡ, phác vật khuôn, phế vật, phế thải bỏ lại trong quá trình làm khuôn và nhiều đá nguyên liệu chế tạo khuôn, cùng sản phẩm của lò đúc là những mũi tên đồng, mảnh nồi nấu, xỉ đồng.
Trong số 11 mang khuôn đúc bằng đá được tìm thấy có 10 mang khuôn đúc mũi tên ba cạnh và một mang đúc mũi lao hình cánh én, được chế tác từ một loại đá (sa thạch) hạt mịn, mềm, rất phù hợp với chất liệu đá làm khuôn đúc.
Đây là những hiện vật gốc, độc bản, phát hiện duy nhất được biết cho tới nay ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt, được tôn xưng như một danh từ riêng: Mũi tên đồng Cổ Loa.
Việc phát hiện sưu tập khuôn đúc Cổ Loa cùng với di tích lò đúc có giá trị quan trọng để giải mã bí mật huyền thoại nỏ thần thời kỳ An Dương Vương, làm sáng tỏ quy mô, cấu trúc, chứng năng, kỹ thuật, niên đại thành Cổ Loa.
Ngày 31/12/2020, sưu tập khuôn đúc Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Trống đồng Cổ Loa và sưu tập lưỡi cày đồng
Ngày 21/6/1982, trong khi người dân hạ thấp thửa ruộng ở khu Mả Tre (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) đã phát hiện một trống đồng chứa hơn 200 hiện vật đồng thau các loại có niên đại cách ngày nay trên 2.000 năm.
Hoa văn trang trí giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh, họa tiết lông công xen giữa các cánh. Vành hoa văn số 6 (tính từ trong ra ngoài) chia thành hai nửa giống nhau, mỗi nửa đều có khắc họa hình người hóa trang, hình một ngôi nhà có mái cong, có chim đậu trên nóc, có một cặp nam nữ ngồi đối diện nhau bên trong, ở một đầu nhà có hình trống đồng đặt nghiêng, đầu kia có người ngồi co gối, mô tả lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp.
Đặc biệt, đây là chiếc trống đầu tiên có minh văn (chữ khắc) được tìm thấy trong thành Cổ Loa. Mặt trong chân trống có khắc chìm một dòng chữ Hán, được phiên âm là "Tây Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân". Dịch là "Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân" (khoảng 72 kg).

Trống đồng Cổ Loa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trống đồng Cổ Loa cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà là những trống có hình dáng, hoa văn đẹp nhất và cổ nhất ở Việt Nam.
Trong số các hiện vật đồng thau được tìm thấy trong lòng trống đồng năm 1982 có 96 chiếc lưỡi cày đồng với hình dáng và kích thước khác nhau. Lưỡi cày ra đời, là sản phẩm của thời đại đồ sắt, là thành tựu của cư dân Đông Sơn đã trải qua kinh nghiệm hàng nghìn năm. Sưu tập lưỡi cày Cổ Loa không chỉ thể hiện sự tiến bộ của kỹ thuật luyện kim và đúc đồng mà còn phản ánh sự phát triển của kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đã phát triển tới trình độ cao.

Bộ sưu tập lưỡi cày đồng Cổ Loa.
Trống đồng và bộ sưu tập lưỡi cày đồng được phát hiện năm 1982 ở Cổ Loa có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc thời dựng nước. Ngày 25/12/2015 những hiện vật này đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.
Cặp rồng đá thành bậc đền Cổ Loa
Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng được đặt trước nghi môn ngoại đền Cổ Loa, tọa lạc trên một khu đất cao, thuộc góc Tây Nam thành Nội. Đôi rồng được chạm trên một khối đá nguyên. Hai bên thành bậc có cấu trúc và hoa văn trang trí tương đối giống nhau.
Hình thức độc đáo của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thể hiện ở việc chạm khắc hoa văn rất đặc biệt, mang những nét điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ XVIII. Tượng rồng ở đây tạo ở tư thế uốn lượn từ trên xuống, đầu ngẩng cao. Thân rồng tròn, uốn 5 khúc mềm mại. Rồng ở thành bậc đền thờ An Dương Vương mũi cao, tai to, sừng dài và có chạc giống sừng hươu. Các chạm khắc hoa văn cứng cáp, nổi bật là râu bờm, mây lửa duỗi thẳng theo kiểu "đao mác" đặc trưng cho rồng giai đoạn Lê Trung Hưng.

Cặp rồng đá thành bậc trước nghi môn ngoại đền Cổ Loa.
Với lối tạo tác kết hợp giữa tượng tròn và phù điêu, biểu tượng rồng cùng văn mây, đã tạo nên sự sống động, uyển chuyển, nhưng cũng đầy mạnh mẽ trên không gian dày đặc mây bay.
Cặp rồng đá nằm trong tổng thể bộ thành bậc đền Cổ Loa niên đại 1732 là bộ thành bậc duy nhất trên cả nước gắn với di tích nổi tiếng, thờ Đức vua An Dương Vương - vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không lặp lại ở bất kỳ di tích nào ở Việt Nam có cùng chức năng và niên đại.
Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận bảo vật Quốc gia đối với 29 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có Cặp rồng đá thành bậc đền Cổ Loa.
Tượng đức vua An Dương Vương
Tương truyền, vào năm 1893, trong một lần tu bổ lớn đền Cổ Loa, người dân đã phát hiện một kho đồng dưới nền điện và xem là "kho đồng thiêng của nhà vua", nên mang đi đúc tượng đức vua An Dương Vương để thờ cúng. Sau khi hoàn thành, tượng cao 1,26m, nặng 160kg.
Tượng đức vua An Dương Vương được đúc liền khối thể hiện kỹ cả bệ, mũ, quần, áo, hia, tạc lớn hơn người thật theo thể tượng tròn, đúng theo quy chuẩn tạc tượng.
Vua ngồi trên bệ, hai tay cầm hốt với phong thái đường bệ, uy nghi. Đầu đội mũ bình thiên hai cấp, phía trước đúc nổi ba bông hoa cúc mãn khai và hoa văn "lưỡng long chầu nhật". Đây là biểu tượng vương quyền.

Tượng đức vua An Dương Vương.

Mặt đức vua vuông chữ điền, đường nét phương phi, phúc hậu. Trán cao, lông mày cong. Mắt điểm vàng lấp lánh với ánh nhìn hiền từ, tinh anh. Sống mũi dọc dừa cao, miệng dát vàng, mỉm cười đức độ. Râu dài xuống ngực. Hai tai to, dài, dái tai dày, chảy xuống, đậm chất tu hành.
Đức vua khoác long bào, trang trí rồng cuộn, trăng sao, chim phượng, công, cỏ cây, sóng nước. Điểm xuyết trên áo là những đám mây cuộn có đuôi, kế thừa phong cách thời Trần. Long bào tượng trưng cho ba tầng vũ trụ và An Dương Vương là thánh nhân.
Tại miếng hộ tâm dưới bụng có dòng chữ: “Thánh tổ An Dương Vương hoàng đế”, đai ngọc to bản trễ xuống. Hai tay khép lại để trước ngực, ngón tay dài cầm hốt. Chân đi hài mũi cong khắc hình hoa cúc mãn khai.
Ngày 30/1/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia, trong đó có pho tượng đức vua An Dương Vương.
Mạnh Quốc - Hữu Thắng