Bao diêm Thống Nhất trong Nhà tù Hỏa Lò và “vũ khí” sắc bén thể hiện khát vọng Việt Nam, di sản một thời

Admin

Vào giai đoạn chống Mỹ cứu nước, bao diêm không chỉ có tác dụng sinh lửa, mà còn là 1 vũ khí tuyên truyền.

Bao diêm Thống Nhất trong Nhà tù Hỏa Lò và “vũ khí” sắc bén thể hiện khát vọng Việt Nam, di sản một thời- Ảnh 1.

Từ tên gọi cho tới bao bì, Diêm Thống Nhất - cũng giống như nhiều “thương hiệu” ở thời điểm ấy như Điện cơ Thống Nhất, Xe đạp Thống Nhất - mang theo niềm mong mỏi hòa bình của người dân Việt Nam. 

Quen thuộc nhất có lẽ là bao bì có hình chim bồ câu trắng ngậm cành hoa đỏ tung cánh trên nền trời xanh. Thế nhưng đó không phải là bao bì duy nhất của Diêm Thống Nhất mang ý nghĩa biểu tượng và tinh thần của thời đại. 

Vào giai đoạn chống Mỹ cứu nước, bao diêm không chỉ có tác dụng sinh lửa, mà còn là 1 vũ khí tuyên truyền. 

Những bao diêm màu đỏ viền trắng có in dòng chữ in hoa "Thống Nhất" và "Quốc doanh sản xuất diêm" - cùng hình ảnh biểu trưng cho 3 miền Chùa Một Cột (Hà Nội) - Chùa Thiên Mụ (Huế) - Chợ Bến Thành (Sài Gòn) trình bày theo lối cổ động - thể hiện khát khao mãnh liệt về một ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải. 

Bao diêm Thống Nhất trong Nhà tù Hỏa Lò và “vũ khí” sắc bén thể hiện khát vọng Việt Nam, di sản một thời- Ảnh 2.

Hiện nay, Nhà tù Hỏa Lò vẫn còn lưu giữ hiện vật 1 bao diêm Thống Nhất từ năm 1972 với bao bì này, vốn là một trong những vật dụng được cấp phát cho Walter Eugene Wilber, Trung tá Hải quân Mỹ bị bắt giữ trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không". 

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cùng với khẩu hiệu “vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu”, nhà máy đã gửi những người con ưu tú nhất ra chiến trường, trong số họ có những người đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc. Những người ở lại dồn sức thay thế công việc của những người đi xa, bám trụ, giữ vững sản xuất trong điều kiện khó khăn sơ tán ở nhiều nơi.

Vào thời kỳ khi điện còn thiếu thốn, diêm là dụng cụ sinh lửa duy nhất, là nguồn thắp sáng trong đêm của gần như tất cả các gia đình Việt Nam.

Năm 1965, Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc. Là một nhà máy nằm trong vùng trọng điểm đánh phá trong cuộc chiến tranh phá hoại, nhà máy đã hai lần phải di chuyển, sơ tán nhưng sản xuất vẫn được duy trì giữ vững góp phần phục vụ tốt cho công cuộc chống Mỹ, cứu nước. 

Kết thúc chiến tranh phá hoại, nhà máy bị đánh phá thiệt hại nghiêm trọng, nhưng các cán bộ công nhân đã phấn đấu ngày đêm, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất, vì vậy đã phục vụ kịp thời sự nghiệp xây dựng đất nước và cuộc sống của nhân dân.

Suốt trong những năm chiến tranh ác liệt, đã có những cán bộ, công nhân hy sinh, lao động quên mình, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng của dân tộc như: Liệt sỹ Giang Lệ Bồng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Liêm…

Bao diêm Thống Nhất trong Nhà tù Hỏa Lò và “vũ khí” sắc bén thể hiện khát vọng Việt Nam, di sản một thời- Ảnh 3.

Diêm Thống Nhất là nhà máy sản xuất đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc XHCN, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/1956, ban đầu với bốn phân xưởng công nghệ và một bộ phận phục vụ điện nước, cùng sửa chữa bảo dưỡng. 

Ở giai đoạn đầu, đội ngũ cán bộ công nhân viên nhà máy có hơn 300 người, là những người lính vừa rời tay súng trở về sau hòa bình lập lại năm 1954, nhiều anh chị em cán bộ Miền Nam tập kết, một số công nhân của xưởng Diêm Hưng Việt và con em địa phương nơi xây dựng nhà máy. 

Nhà máy được đặt tại khu vực Cầu Đuống, trước đây là điểm trung tâm của các tuyến đường bộ - đường quốc lộ số 1, 2, 3 - kết nối với các tỉnh phía Bắc mà nhà máy khai thác nguồn nguyên liệu gồm Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La. 

Mặc khác, sông Đuống là nhánh phụ lưu của sông Hồng thông thương với sông Đà, sông Thao, sông Lô, thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ nguyên liệu và sản phẩm đi các nơi.

Khâu sản xuất chủ yếu là thủ công, một số bộ phận trọng yếu được trang bị thiết bị cơ khí bán tự động với sự hướng dẫn chỉ đạo trực tiếp của chuyên gia Trung Quốc. Mặc dù trình độ kỹ thuật chưa được đào tạo trang bị nhiều nhưng ai ai cũng nhiệt huyết, hăng say. Ngay trong năm đầu tiên sản xuất, năm 1956, nhà máy đã đạt sản lượng 24 triệu bao diêm – đạt 99,8% kế hoạch được giao.

Sau 2 tháng Diêm Thống Nhất đi vào hoạt động, ngày 16/8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm nhà máy. Bác đến thăm nhà tập thể, nhà ăn, nhà trẻ của nhà máy. Bác rất vui khi thấy tuy tất cả chỉ là những dãy nhà tranh, vách nứa nhưng đều sạch sẽ gọn gàng. 

Lãnh đạo nhà máy mời Bác vào phòng giám đốc nhưng Bác không vào mà đi thẳng tới các phân xưởng sản xuất. Bác dừng lại khá lâu ở các phân xưởng nan, dán, dầu thuốc và bao kiện. 

Đứng bên máy chặt que diêm tại phân xưởng nan, Bác chăm chú nhìn công nhân thao tác kĩ thuật và cầm trên tay mấy que rồi nói:

- Các chú làm que hơi to và dài.

Lúc bấy giờ, cỡ que diêm là 50mmx2mm. Đồng chí giám đốc đứng bên cạnh liền báo cáo:

- Thưa Bác, nhân dân ta thường dùng diêm để hút thuốc lào nên phải làm to và dài ạ!

Bác nói:

- Nếu thế thì các chú nên làm hai loại. Bây giờ nhiều người dùng thuốc lá, làm que ngắn tiện bỏ túi mà lại tiết kiệm.

Thực hiện lời dạy của Bác, sau đó ít lâu, que diêm được chỉnh lại ngắn và nhỏ hơn (40mmx1.6mm).

Những người con của Diêm Thống Nhất ngày ấy còn nhớ như in lời Bác dạy, thực hiện dân chủ, đẩy mạnh thi đua sản xuất “để góp phần thiết thực củng cố Miền Bắc, chiếu cố Miền Nam, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh”.

Bao diêm Thống Nhất trong Nhà tù Hỏa Lò và “vũ khí” sắc bén thể hiện khát vọng Việt Nam, di sản một thời- Ảnh 4.

Bao diêm Thống Nhất trong Nhà tù Hỏa Lò và “vũ khí” sắc bén thể hiện khát vọng Việt Nam, di sản một thời- Ảnh 5.

Tháng 4/1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, những khó khăn gian khổ nhất đã qua đi, một lần nữa Nhà máy Diêm Thống Nhất lại đi vào khôi phục và ổn định sản xuất. Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980), đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật được tăng cường tạo bước chuyển lớn trong quản lý và đầu tư. 

Đến năm 1988 được sự giúp đỡ của Chính phủ Thụy Điển trong khuôn khổ chương trình đầu tư, phục hồi một số nhà máy của ngành công nghiệp trong đó có Nhà máy Diêm Thống Nhất. Ủy ban kế hoạch nhà nước, Bộ Công nghiệp Nhẹ đã quyết định đầu tư cho nhà máy Diêm Thống Nhất một dây chuyền sản xuất que diêm hiện đại, năng suất cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn Quốc tế, dây chuyền do Chuyên gia Thụy Điển trực tiếp hướng dẫn lắp đặt và vận hành.

Tháng 5/1990 dây chuyền chính thức đi vào hoạt động, ngoài việc đáp ứng yêu cầu sản lượng que diêm sản xuất diêm nội địa nhà máy đã ký hợp đồng xuất khẩu que diêm cho Malaysia mở ra một hướng làm ăn mới với đối tác nước ngoài tạo tiền đề xuất khẩu diêm thành phẩm sau này và cho tới hôm nay.

Bao diêm Thống Nhất trong Nhà tù Hỏa Lò và “vũ khí” sắc bén thể hiện khát vọng Việt Nam, di sản một thời- Ảnh 6.

Hình ảnh quen thuộc của bao diêm Thống Nhất. Ảnh: Diêm Thống Nhất

Cuối năm 2019, ban lãnh đạo công ty đã đưa ra một quyết định dũng cảm: “khai tử” sản phẩm bao diêm truyền thống, kết thúc 63 năm của thương hiệu diêm vang bóng một thời (hiện nay diêm Thống Nhất không còn sản xuất đại trà, chỉ nhận đơn đặt hàng), chuyển sang tập trung sản xuất bật lửa và thùng carton, quà tặng doanh nghiệp theo xu thế của thời đại.

Bao diêm Thống Nhất, từng là vật dụng thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt, giờ đây trở thành kỷ vật gợi nhớ một thời gian khó, hào hùng đã qua và là minh chứng cho di sản công nghiệp nhẹ Việt Nam thời kỳ đầu. 

Không còn nằm ở trên bàn nước, cạnh bệ bếp hay trong túi áo của người Việt nhưng hình ảnh cánh chim bồ câu tung bay giữa trời xanh hay biểu tượng 3 miền sẽ sống mãi bởi bao diêm Thống Nhất giờ trở thành một phần của ký ức dân tộc, được đặt trang trọng trong các bộ sưu tập lịch sử.