20 năm tiết kiệm mới đủ tiền mua nhà: Người trẻ Việt chịu lỡ dở giấc mộng an cư?

Admin

Dù rất mong muốn sở hữu nhà, nhiều người trẻ tại Hà Nội đành chấp nhận thuê nhà cả đời khi thu nhập không theo kịp giá bất động sản ngày càng leo thang.

Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn và Bộ Xây dựng, giá căn hộ trung bình tại Hà Nội trong quý II/2025 đạt khoảng 50 – 60 triệu đồng/m2, tức một căn hộ 55m2 sẽ có giá từ 2,75 đến 3,3 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người lao động trẻ (từ 25 – 35 tuổi) ở khu vực thành thị chỉ dao động quanh 12 – 18 triệu đồng/tháng.

Tính ra, người trẻ sẽ cần khoảng 15 – 20 năm tiết kiệm không chi tiêu đồng nào mới đủ tiền mua một căn hộ tầm trung, một điều hoàn toàn phi thực tế.

Nghiên cứu của Savills từng chỉ ra rằng chỉ số khả năng chi trả nhà ở (Housing Affordability Index) tại Hà Nội hiện nằm ở mức 13 – 14 lần thu nhập bình quân, cao hơn nhiều so với mức hợp lý được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị là 3 – 5 lần.

So với các nước trong khu vực như Malaysia (5 – 6 lần), Thái Lan (9 lần) hay thậm chí là Singapore (4 – 5 lần với nhà HDB), người trẻ Việt đang đối mặt với áp lực sở hữu nhà lớn hơn đáng kể.

Cũng theo khảo sát tại các đô thị lớn, có đến 70 – 80% người trẻ dưới 35 tuổi không có khả năng mua nhà nếu không có hỗ trợ từ gia đình hoặc thừa kế tài sản. Đáng chú ý, những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng gần như bị "loại khỏi cuộc chơi" trên thị trường bất động sản thương mại.

Trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao liên tục, còn thu nhập trung bình không theo kịp, giấc mơ sở hữu một căn nhà ở thành phố lớn với nhiều người trẻ giờ đây chỉ còn là một khái niệm mơ hồ.

Không chỉ người ngoại tỉnh, mà ngay cả nhiều người sinh ra và lớn lên ở Thủ đô cũng phải chấp nhận thực tế: muốn có nhà có lẽ phải chờ đời sau.

Người Hà Nội cũng không mua nổi nhà Hà Nội

"Mình sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Hà Nội, đi làm cũng ở đây – nhưng mình xác định gần như sẽ không bao giờ mua được nhà ở đây", anh Trần Sỹ Hoàng (25 tuổi, Hà Nội), hiện làm việc tại một công ty công nghệ chia sẻ với Người Đưa Tin.

Với mức thu nhập 18 triệu đồng/tháng – con số cao hơn mặt bằng chung của người trẻ hiện nay, Hoàng tưởng như sẽ có nhiều cơ hội để tích lũy. Thế nhưng thực tế không dễ dàng.

Gia đình Hoàng có 4 người sống trong căn nhà diện tích 50m2 tại quận nội thành, không gian vừa đủ cho bố mẹ và hai anh em, nhưng nếu lập gia đình, Hoàng sẽ phải ra ở riêng vì diện tích quá hạn chế.

Nhẩm tính nhanh, Hoàng cho biết để mua một căn hộ khoảng 55m2 tại Hà Nội với giá dao động từ 2,5 – 3 tỷ đồng, bản thân cần có sẵn khoảng 30% vốn tự có và trả góp trong khoảng 15 – 20 năm. 

Với thu nhập hiện tại, trừ chi phí sinh hoạt, Hoàng cho biết chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 4 – 5 triệu/tháng, tức mất tới gần 50 năm mới đủ tiền mua nhà nếu không vay mượn.

Còn nếu xác định vay ngân hàng, mỗi tháng phải trả khoản gốc, lãi thì khoản thu nhập của Hoàng sẽ gánh không nổi, chưa kể nếu lập gia đình cần nhiều khoản phí phát sinh, chắc chắc tiền lương của anh sẽ không đủ để thanh toán tiền cho ngân hàng hàng tháng.

Người trẻ mua nhà - Bài 1: Giá nhà phi mã, thu nhập bèo bọt, người trẻ Việt lỡ dở giấc mộng an cư? - Ảnh 1.

Người trẻ sẽ cần khoảng 15 – 20 năm tiết kiệm không chi tiêu đồng nào mới đủ tiền mua một căn hộ tầm trung.

Cùng trường hợp trên, anh Hoàng Gia Nghĩa (28 tuổi) quê Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội hiện làm việc tại phường Cầu Giấy với thu nhập ổn định 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn quản lý một homestay nhỏ ở quê, mỗi tháng có thêm khoản thu dao động từ 10 – 15 triệu đồng.

Mặc dù tổng thu nhập vào loại khá so với người trẻ, nhưng Nghĩa vẫn không nghĩ đến việc mua nhà ở nội thành.

"Mình vẫn đang thuê nhà 4 triệu/tháng ở Hà Nội. Cũng từng tính đến việc vay ngân hàng mua một căn tầm trung, nhưng tính kỹ thì tiền trả gốc lãi mỗi tháng gần 20 triệu, trong khi còn bao nhiêu khoản phải chi tiêu khác, mà thu nhập thì không phải tháng nào cũng ổn định đều đặn nên mình đã gạt suy nghĩ ấy ngay", Nghĩa bộc bạch.

Nghĩa cho biết sau khi lập gia đình, anh chọn phương án sẽ quay về Sóc Sơn, xây nhà trên đất bố mẹ để lại tiết kiệm chi phí và ưu tiên cuộc sống ổn định hơn chứ "bám trụ nội thành, làm gì có cửa mua nhà nếu không có sẵn vài tỷ trong tay".

Chênh lệch thu nhập – giá nhà: Khoảng cách ngày càng rộng

Trường hợp của chị Đặng Hồng Phượng (26 tuổi, quê Yên Bái) – hiện làm biên kịch tự do tại Hà Nội càng cho thấy rõ một thực tế việc mua nhà với người trẻ ngoại tỉnh không phải là mục tiêu, mà là một điều xa xỉ.

Với thu nhập bấp bênh dao động từ 8 đến 15 triệu đồng/tháng, Phượng chưa từng nghĩ đến chuyện mua nhà.

"Mình thậm chí còn chưa tiết kiệm được khoản nào lớn, nhà thuê hiện tại cũng là chia sẻ với chị họ cho đỡ tốn. Nếu sau này lập gia đình mà chồng có nhà thì tốt, còn không thì lại thuê tiếp thôi", Phượng thẳng thắn.

Dù theo nghề sáng tạo với nhiều cơ hội, nhưng thu nhập không ổn định, cộng thêm áp lực chi phí sinh hoạt tăng cao khiến việc tích lũy gần như bằng 0.

"Chưa kể vay mua nhà thì cần chứng minh thu nhập ổn định, mà nghề của em thì không có bảng lương cố định", cô chia sẻ.

Người trẻ mua nhà - Bài 1: Giá nhà phi mã, thu nhập bèo bọt, người trẻ Việt lỡ dở giấc mộng an cư? - Ảnh 2.

Mong muốn có một chốn an cư ổn định vẫn là nhu cầu chung và hiện hữu, đặc biệt là ở thế hệ trẻ.

Ba trường hợp với ba hoàn cảnh khác nhau từ người Hà Nội, người ngoại thành, người ngoại tỉnh nhưng đều có một điểm chung: họ không nhìn thấy khả năng mua được nhà tại Hà Nội, ít nhất là trong vòng 10–15 năm tới, nếu không có sự hỗ trợ lớn từ gia đình hoặc trúng một cơ may tài chính.

Hơn 16.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Đồng NaiGiá nhà ở Tp.HCM tiếp tục "leo thang", người lao động vẫn loay hoay với giấc mơ an cưGiá nhà vượt xa thu nhập, người trẻ cần gì để an cư?

Tất nhiên, không phải người trẻ nào cũng đặt mục tiêu phải sở hữu nhà ở bằng mọi giá. Đâu đó vẫn còn một bộ phận chọn lối sống linh hoạt, không bị ràng buộc bởi tài sản cố định, ưu tiên trải nghiệm và sự dịch chuyển.

Tuy nhiên, mong muốn có một chốn an cư ổn định vẫn là nhu cầu chung và hiện hữu, đặc biệt khi lập gia đình, sinh con hoặc cần xây dựng cuộc sống lâu dài. Không ít người chấp nhận thuê trọ cả đời, không phải vì không cần nơi ở ổn định, mà vì đơn giản họ không còn thấy mình có "cửa" trên thị trường nhà ở hiện nay.

Điều đáng lo hơn là sự "cam chịu" đang trở thành một trạng thái phổ biến. Không ít người trẻ, thay vì đặt mục tiêu sở hữu nhà, lại chấp nhận "sống đâu hay đó", không phải vì lười cố gắng, mà vì chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà đã vượt ngoài khả năng kiểm soát.

Và trong khi một số quốc gia trên thế giới có những chính sách tài chính, trợ cấp hoặc nhà ở xã hội để hỗ trợ người trẻ, thì ở Việt Nam, các gói hỗ trợ mua nhà còn rất hạn chế về cả quy mô lẫn điều kiện tiếp cận.

Khi cơ hội sở hữu nhà ở bị đẩy ra xa khỏi tầm tay của người trẻ, thì bài toán về an cư lạc nghiệp không còn là chuyện riêng của mỗi cá nhân, mà là một vấn đề cần lời giải ở cấp chính sách.