Dự chương trình có Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân các gia đình có công với cách mạng - Ảnh: Bộ VHTTDL
Chương trình nghệ thuật chính luận Bản hùng ca bất diệt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức, diễn ra tối 26-7 tại Khu quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (phường Quảng Phú, TP Đà Nẵng), đồng thời được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2.
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm
Có một hàng ghế đặt chiếc balô màu xanh và một nhành hoa trắng tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh - Ảnh chụp màn hình
Chuyện mẹ Lạng, mẹ Chinh gây xúc động
Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lạng (ngụ ở Hội An) có chồng và con trai đều hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Tới nay, mẹ vẫn không biết chính xác con mình nằm ở nơi nào giữa nghĩa trang rộng lớn.
Khi hình ảnh người mẹ già còm cõi, lấy vạt áo lau nước mắt rơi không ngừng kể về người con trai yêu dấu được phát trong đoạn băng phóng sự, không ít người xem bật khóc theo mẹ.
Con trai mẹ xung phong vô chiến trường bằng được. Giữ con lại thì mất nước, để hắn đi thì mẹ mất con. "Chỉ biết nằm ở nghĩa trang Núi Thành này mà không biết nằm chỗ mô, trốn mẹ tìm không ra", mẹ nói.
Và trên dải đất hình chữ S này, còn rất nhiều mẹ như mẹ Lạng. "Miền Trung ấy, có mẹ Bầm mẹ Suốt/Thạch Hãn ơi! Máu nhuộm đỏ loang chiều/Có mẹ Thứ, chín mươi triệu tin yêu/Tiễn chồng con, năm lần bảy lượt/Mỗi đứa con, mẹ héo từng đoạn ruột/Nước mắt lăn tròn, đẫm ướt gối đêm"…
Mẹ Ngô Thị Lạng khóc khi kể về con trai - Ảnh chụp màn hình
Nhưng nước mắt mẹ đâu chỉ rơi trong thời chiến mà cả trong thời bình. Chương trình kể chuyện Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Chinh (ngụ tỉnh Ninh Bình) có con trai là cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tỉnh Gia Lai hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tháng 3-2018.
Chương trình diễn ra ngay dưới bức phù điêu với chân dung bán thân Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - người mẹ có 9 người con trai, 2 người cháu ngoại và 1 người con rể hy sinh vì đất nước, càng khiến cho thông điệp của Bản hùng ca bất diệt càng sâu sắc.
Mẹ Trần Thị Chinh, Mẹ Việt Nam anh hùng giữa thời bình - Ảnh chụp màn hình
Âm nhạc kể chuyện bản hùng ca bất diệt
Bản hùng ca bất diệt gồm ba chương, xuyên suốt là hình tượng "lời ru" - lời ru của những người phụ nữ Việt Nam đã tiễn chồng, tiễn con ra chiến trường.
Chương I Lời ru trong bão lửa với những hoạt cảnh: Lời ru bên nôi; Thư người lính gửi vợ; Đất quê ta mênh mông… cùng những bài ca: Quê hương anh bộ đội; Bài ca hy vọng; Tình em; Đường cày đảm đang, Đất quê ta mênh mông… khắc họa tinh thần chiến đấu kiên cường của cả một thế hệ qua hình ảnh người mẹ và người vợ nơi hậu phương.
Ca sĩ Phạm Thu Hà hát Dòng sông phẳng lặng - Ảnh chụp màn hình
Chương II Lời ru buồn - Nỗi đau của mẹ lặng lẽ tái hiện những mất mát không thể đo đếm với những bài hát, trích phim Mùi cỏ cháy; Vành hoa lửa và Người mẹ Quảng Nam; Đất nước; Một đời người một rừng cây…
Chương III Lời ru hòa bình - Viết tiếp những ước mơ với những tiết mục Về bên mẹ, Cho con là người Việt Nam…
Chương trình diễn ra ngay dưới bức phù điêu với chân dung bán thân Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - Ảnh chụp màn hình
Chương trình do Nhà hát lớn Hà Nội thực hiện, với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng: Tấn Minh, Lan Anh, Phạm Thu Hà, Đăng Dương, Viết Danh, Khánh Chi, Thanh Tài, Thu Hằng, Nhóm MTV, Dàn nhạc dân tộc Thanh Âm Xanh, nghệ sĩ violin Trần Quang Duy…
Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/roi-nuoc-mat-o-ban-hung-ca-bat-diet-me-giu-con-o-lai-thi-mat-nuoc-de-con-di-thi-mat-con-a185503.html