Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt
Những ngày tháng Bảy, tháng của tri ân và tưởng nhớ, khi cả nước lặng lòng hướng về những người thương binh - liệt sĩ đã anh dũng đấu tranh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trên đảo Cồn Cỏ, hòn đảo tiền tiêu ngoài khơi Quảng Trị, không khí ấy càng thêm thiêng liêng, lắng đọng.
Chính quyền địa phương, quân dân ở đảo Cồn Cỏ dâng hương tưởng niệm tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đảo Cồn Cỏ.
Giữa tiếng sóng vỗ mênh mang nơi đầu sóng ngọn gió, những người lính biên phòng nơi đây vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động khi chứng kiến giây phút ông Trần Dư Khỏe (SN 1963, trú tại thôn Đông Luật, xã Vĩnh Hoàng, tỉnh Quảng Trị), một người con sau hơn 60 năm miệt mài tìm kiếm, lần đầu tiên được thắp nén hương trước tên cha mình trên Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đảo Cồn Cỏ.
Đó không chỉ là cuộc hội ngộ đầy nước mắt của tình phụ tử, mà còn là lời nhắc nhở thấm thía về những hy sinh lặng thầm đã làm nên sự bình yên hôm nay.
Ông Trần Dư Khoẻ (ở giữa) cùng các chiến sĩ Đồn biên phòng Cồn Cỏ dâng hương tại bia tưởng niệm.
Cuộc hội ngộ đầy nước mắt ấy bắt đầu từ một cuộc gặp tình cờ. Trung tá Lê Quốc Học, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị chia sẻ, trong một hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đầu tháng 7/2025 tại thôn Đông Luật, cán bộ chiến sĩ của đơn vị biết được hoàn cảnh của ông Trần Dư Khỏe, một người con vẫn đau đáu đi tìm cha sau hơn nửa thế kỷ.
Qua lời kể, cha ông Khoẻ là liệt sĩ Trần Mó, một trong những người đã hy sinh anh dũng trong quá trình vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ vào năm 1965, thời điểm căng go của cuộc chiến đấu bảo vệ hòn đảo tiền tiêu này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình ông Khỏe vẫn không tìm được nơi ghi danh hay phần mộ cha mình, bởi phần lớn các liệt sĩ Cồn Cỏ khi ấy đã hòa thân vào biển khơi, và việc di chuyển giữa đất liền với đảo cũng vô cùng khó khăn.
CLIP: Xúc động khoảnh khắc ông Khoẻ khóc nghẹn ngào cạnh bia ghi danh người cha liệt sĩ.
Ngay sau đó, các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ đã đối chiếu thông tin và xác định tên liệt sĩ Trần Mó, hy sinh ngày 29/5/1965 đã được khắc ghi trên bia tưởng niệm đảo Cồn Cỏ.
Với tinh thần tri ân sâu sắc, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ lập tức hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở và đưa ông Trần Dư Khỏe cùng gia đình ra đảo.
Sự hy sinh của các anh là thiêng liêng và bất tử
Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, ông Khỏe nghẹn ngào: “Gia đình tôi đã đi hỏi rất nhiều nơi và nhiều năm trời mà vẫn không tìm được. Nhờ có các chú bộ đội biên phòng mà nay chúng tôi đã tìm ra nơi ghi danh cha tôi. Chúng tôi rất biết ơn các chú!”.
Chứng kiến những giọt nước mắt xúc động bên bia đá tưởng niệm, Trung tá Lê Quốc Học chia sẻ: “Đây là trách nhiệm và cũng là nghĩa tình mà mỗi người lính biên phòng luôn trân trọng. Sự hy sinh của các liệt sĩ là thiêng liêng và bất tử. Chúng tôi sẽ tiếp tục là cầu nối, giúp thân nhân tìm thấy người thân đã ngã xuống vì Tổ quốc".
“Việc giúp ông Khỏe tìm thấy tên cha mình nơi đảo xa không chỉ là hành động mang giá trị nhân văn sâu sắc, mà còn là minh chứng sống động cho phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ – tận tụy, nghĩa tình, vì nhân dân phục vụ. Đó cũng là lời nhắc nhở, mỗi người con đất Việt hôm nay không bao giờ quên những hy sinh âm thầm nhưng vĩ đại của cha ông, những người đã nằm lại giữa trùng khơi vì hòa bình và độc lập cho Tổ quốc”, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ xúc động nói.
Đảo Cồn Cỏ - hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi in dấu bao chiến công oanh liệt và máu xương của lớp lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ những năm 1964-1972 là bản hùng ca bất tử, nhiều cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu, vận chuyển hàng hóa, tiếp tế lương thực, đạn dược.
Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ đảo Cồn Cỏ là nơi ghi danh 104 liệt sĩ, có 2 bức phù điêu ở 2 bên có tính nghệ thuật, tái hiện 1 phần cuộc chiến đấu bảo vệ và tiếp tế cho Cồn Cỏ. Trong cuộc chiến đấu và tiếp tế cho Cồn Cỏ đã có 104 chiến sỹ, dân quân và nhân dân đã ngã xuống vì sự trường tồn của đảo nhỏ. Phần lớn thân thể, xương máu của các anh đã nằm lại giữa biển khơi, hòa vào lòng biển, bên cạnh đó điều kiện đi lại giữa đảo và đất liền khó khăn. Chình vì lẽ đó, vẫn còn một số thân nhân liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy nơi ghi danh người thân hy sinh của mình.
Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/con-trai-liet-si-oa-khoc-khi-tim-thay-tam-bia-ghi-ten-cha-sau-60-nam-miet-mai-tim-kiem-a185496.html