Chuyên gia “phím” một kim loại quý có mức tăng giá gấp đôi vàng: Tất cả đều trông đợi vào một “ẩn số khó lường”

Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và lạm phát gia tăng, bạc đang lấy lại vai trò tài sản trú ẩn, đặc biệt hấp dẫn với nhà đầu tư cá nhân nhờ mức giá dễ tiếp cận hơn vàng.

Chuyên gia “phím” một kim loại quý có mức tăng giá gấp đôi vàng: Tất cả đều trông đợi vào một “ẩn số khó lường”- Ảnh 1.

Dù đang chật vật giữ vững mốc 39 USD/ounce, bạc vẫn nằm trong xu hướng tăng dài hạn sau bảy năm liên tiếp rơi vào tình trạng thâm hụt nguồn cung — theo đánh giá của một chiến lược gia thị trường kỳ cựu.

Trong báo cáo triển vọng giữa năm, bà Maria Smirnova, Giám đốc Danh mục và Giám đốc Đầu tư tại Sprott Asset Management, nhận định rằng thị trường bạc có thể sẽ trải qua một đợt tăng giá mạnh trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu bền vững và nguồn cung suy giảm đáng kể.

Những nhận định này được đưa ra trong bối cảnh giá bạc đã có đà tăng ấn tượng trong vài tháng qua, thậm chí vượt cả hiệu suất của vàng. Giá bạc giao ngay hiện ở mức 39,05 USD/ounce, giảm 0,57% trong ngày nhưng vẫn tăng gần 35% kể từ đầu năm. Trong khi đó, giá vàng đang ở mức 3.373,50 USD/ounce, tăng 28,5% từ đầu năm đến nay.

“Chúng tôi tin rằng các yếu tố thúc đẩy đợt tăng giá của bạc lần này bao gồm: sự thiếu hụt nguồn cung mang tính cấu trúc, nhu cầu công nghiệp gia tăng, và làn sóng nhà đầu tư quay trở lại — đặc biệt từ nhóm nhà đầu tư cá nhân tại châu Á và Bắc Mỹ thông qua các sản phẩm ETF, tiền xu và thỏi bạc,” bà Smirnova cho biết.

Nhu cầu công nghiệp được xem là lực đẩy chính dẫn đến tình trạng thâm hụt bạc hiện nay, và bà Smirnova không kỳ vọng xu hướng này sẽ đảo ngược sớm. Kể từ năm 2016, tổng cầu bạc toàn cầu đã tăng 16%, trong khi sản lượng khai thác lại giảm 7%.

Trong bối cảnh đó, bà cho rằng yếu tố quyết định trong ngắn hạn có thể nằm ở nhu cầu đầu tư cá nhân — yếu tố mà bà gọi là “ẩn số khó lường” của thị trường. “Lượng bạc có thể giao dịch tự do trên thị trường hiện đã sụt giảm mạnh, khiến giá bạc trở nên nhạy cảm hơn trước bất kỳ động thái mua vào nào. Chỉ cần nhu cầu tăng nhẹ, giá có thể tăng mạnh bất thường. Khi lượng bạc lưu thông giảm, việc định giá của nhà đầu tư trở thành yếu tố then chốt ảnh hưởng đến biến động giá.”

Dù bạc đã vượt trội so với vàng trong thời gian gần đây, bà Smirnova cho rằng vàng vẫn đang bị định giá quá cao. Tỷ lệ vàng/bạc hiện đã giảm xuống còn 86 — từ mức đỉnh trên 100 hồi tháng 4 — nhưng vẫn cao hơn mức trung bình lịch sử dao động quanh ngưỡng 50–60. Điều này biến bạc thành một lựa chọn đầu tư hấp dẫn về mặt giá trị, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân.

“Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, áp lực lạm phát hiện hữu và bất ổn tài chính lan rộng, bạc đang dần lấy lại vị thế là một tài sản trú ẩn an toàn. Lịch sử cho thấy bạc luôn đóng vai trò là nơi lưu giữ giá trị trong những thời kỳ khủng hoảng, tương tự vàng — nhưng với lợi thế là rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn với nhà đầu tư nhỏ lẻ,” bà nói. “Với tình trạng thâm hụt ngày càng sâu và nhu cầu ngày một lớn từ cả hai kênh công nghiệp và đầu tư, thị trường bạc hiện đang có nền tảng vững chắc cho một chu kỳ tăng giá mới. Đây là cơ hội đáng cân nhắc cho những ai tìm kiếm một tài sản cứng vừa có tiềm năng tăng trưởng, vừa mang yếu tố phòng vệ.”

Về triển vọng tăng giá, bà Smirnova lưu ý rằng trong các chu kỳ tăng trước đây của kim loại quý, mức tăng của bạc thường gấp đôi vàng.

“Sự vượt trội đó một phần đến từ quy mô thị trường bạc nhỏ hơn, độ biến động cao hơn — khiến giá dễ bị đẩy mạnh hơn — và vai trò kép của bạc vừa là kim loại tiền tệ, vừa là kim loại công nghiệp, tạo thêm động lực cầu,” bà giải thích.

Tham khảo Kitco

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/chuyen-gia-phim-mot-kim-loai-quy-co-muc-tang-gia-gap-doi-vang-tat-ca-deu-trong-doi-vao-mot-an-so-kho-luong-a185380.html