Chúng tôi ghé thăm rừng tre măng của người cựu binh Cao Thái Thắng, SN 1956, trú tại xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An khi trời đã xế trưa. Người dân địa phương cho biết, rừng tre này trước đây chỉ là bãi đất chủ yếu là cây dại như: lau, sậy, cỏ mọc rậm rạp nhưng giờ đây là một rừng tre xanh mướt.
Năm 1975, khi tròn 19 tuổi, ông Thắng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trải qua 5 năm trong quân ngũ, đến năm 1980, ông phục viên trở về địa phương, mang theo hành trang là ý chí kiên cường, kỷ luật thép và tinh thần không ngại gian khổ của người lính. Theo ông Thắng, từ 10 năm trước, ông thuê 10ha đất ven sông Lam để khai hoang canh tác. Gia đình ông đã bỏ công, sức để cải tạo canh tác các loại cây như rau màu, bầu, bí và trồng cây lâu năm như xoan đâu, keo,…nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Qua bạn bè giới thiệu và nhờ sự ham học hỏi, cựu binh này đã chuyển sang trồng cây tre lấy măng. Sau hai năm đầu thấy hiệu kinh tế cao hơn các loài hoa màu khác, ông Thắng đã mạnh dạn chuyển đổi và đến nay đã trồng được hơn 800 gốc tre măng cho thu hoạch.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, cựu binh Thắng cho biết, mục đích trồng cây tre để cho thu nhập và chống xói mòn, sạt lở, giữ đất cho làng. Loài tre này dễ trồng, không tốn sức chăm sóc, chỉ cần tưới nước, bón phân đầy đủ, hằng năm bồi đất vào gốc măng là có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
"Và điều đặc biệt là tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật. Măng không dùng bất cứ một loài thuốc gì để kích thích tăng trưởng nên rất an toàn cho người tiêu dùng. Mỗi năm lũ dâng lên, đất bồi lắng lại, rất phì nhiêu, vì vậy măng cũng phát triển rất tốt", ông Thắng chia sẻ thêm.
Để nhân giống thêm, ông Thắng chiết giống từ các mắt ở nhánh cây tre. Chi phí nhân giống chỉ cần bùn ướt và bao bì cũ. Đợi cho mắt tre mọc rễ ở là có thể chiết trồng mới. Hằng năm, ông Thắng thuê người và máy múc để vùn đất vào bụi tre để cho măng phát triển nhanh hơn.
Theo ông Thắng, khi thu hoạch, người làm phải dùng xẻng xắn sâu xuống để lấy được cả phần củ, bí quyết để măng không bị đắng và bảo quản được lâu hơn.
Đối với thương lái ở xa, họ yêu cầu để măng cả vỏ với mục đích giúp măng được tươi lâu hơn. Còn với những thương lái gần, họ yêu cầu bóc vỏ, thậm chí có những khách hàng họ yêu cầu măng đã thái và luộc. Thương lái vào tận ruộng thu mua với giá từ 13.000 - 20.000 đồng/kg (cả vỏ); nếu bóc vỏ thì bán giá khoảng 25.000 đồng – 27.000 đồng, măng đã cắt luộc thì giá còn cao hơn.
Ngoài măng thì hằng năm ông Thắng có thêm khoản thu nhập từ những cây tre già. "Khoảng 2 năm thì tôi cho thu hoạch những cây tre già để cho những măng non phát triển. Họ có thể mua những cây tre già làm giàn giáo công trình, hoặc sử dụng vào mục đích khác", ông Thắng cho biết thêm.
Mỗi vụ măng, ngoài bán măng thương phẩm, ông còn cung ứng khoảng 3.000 măng giống ra thị trường.
Tổng thu nhập mà gia đình ông Thắng thu về từ rừng măng là khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Thanh Nga, Chủ tịch xã Đại Đồng, cho biết, gia đình ông Thắng triển khai mô hình trồng tre măng rất hiệu quả, thứ nhất tre măng cho thu nhập cao, thứ 2 chống xói mòn, sạt lở. Sắp tới địa phương sẽ khảo sát quỹ đất cằn, dễ ngập lụt, khó có thể làm các loại hoa màu cao cấp khác thì có thể chuyển đổi sang mô hình trồng măng này.
Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/cuu-binh-trong-loai-cay-vua-chong-sat-lo-vua-bo-tui-hang-tram-trieu-dongnam-a184284.html