Khó lường cuộc đối đầu giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch FED

Lãi suất được thiết lập bởi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hiện do ông Powell đứng đầu. FOMC có quyền tự bầu ra lãnh đạo.

Sức ép không ngừng nghỉ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell một lần nữa khiến các thị trường biến động, cũng như làm dấy lên câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu nhà lãnh đạo này sa thải ông Powell. Theo trang Bloomberg, một động thái như thế sẽ là chưa từng có trong lịch sử Mỹ và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một vụ kiện mang tính bước ngoặt, thu hút nhiều chú ý và cuối cùng có thể được quyết định bởi Tòa án Tối cao.

Biến động mới nhất xảy ra hôm 16-7 sau khi xuất hiện thông tin cho rằng ông Donald Trump dự kiến sớm sa thải Chủ tịch FED, người lâu nay bị ông đưa vào "tầm ngắm" vì không làm theo lời kêu gọi hạ lãi suất. 

Theo đài CBS News, tại cuộc gặp hôm 15-7, ông Donald Trump đã hỏi một nhóm hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa rằng liệu ông có nên sa thải Chủ tịch FED hay không và những người có mặt đã tỏ ý tán thành. Dù vậy, một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ khẳng định với giới truyền thông ông không có kế hoạch làm thế dù rất muốn ông Powell từ chức.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump vào cuối năm 2017 đã đề cử ông Powell làm chủ tịch FED. Sau đó, ông Powell được Tổng thống Joe Biden tái đề cử vào vị trí này trong nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 15-5-2026. Thời gian gần đây, ông Donald Trump liên tục chỉ trích ông Powell vì không hạ lãi suất. Đáp lại, Chủ tịch FED nhấn mạnh các quyết định về lãi suất sẽ dựa trên dữ liệu kinh tế. Cơ quan này đang trong trạng thái "chờ và quan sát" để xem chính sách thuế quan của nhà lãnh đạo Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế.

Khó lường cuộc đối đầu giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch FED- Ảnh 1.

Ảnh chụp tòa nhà của Hội đồng Dự trữ Liên bang đang trong quá trình cải tạo tại thủ đô Washington - Mỹ hôm 10-6. Ảnh: AP

Vào tuần rồi, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Russell Vought gửi thư cho ông Powell nói rằng Tổng thống Mỹ "vô cùng lo ngại" về tình trạng đội vốn trong dự án cải tạo trụ sở FED trị giá 2,5 tỉ USD. Tổng thống Mỹ và các đồng minh đang nhắm đến vấn đề này như một lý do chính đáng tiềm năng để sa thải ông Powell. Nếu kịch bản này xảy ra, lệnh sa thải sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Song, ông Powell có thể lập tức đệ đơn kiện và yêu cầu một lệnh cấm tạm thời để được khôi phục chức vụ trong khi vụ kiện được xem xét.

Mặt khác, việc sa thải ông Powell không nhất thiết sẽ giải quyết được mối bất đồng chính giữa ông Donald Trump và FED. Mục tiêu của nhà lãnh đạo này là lãi suất thấp hơn nhưng ngay cả chủ tịch mới của FED cũng không thể tự mình quyết định điều đó.

Lãi suất được thiết lập bởi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hiện do ông Powell đứng đầu. FOMC có quyền tự bầu ra lãnh đạo. Vị trí đó thường do Chủ tịch FED đảm nhiệm, nhưng trên lý thuyết có thể thuộc về bất kỳ ai trong số 18 thành viên còn lại của ủy ban. Tất cả 19 thành viên đều tham gia các cuộc họp của FOMC, trong đó 12 người có quyền biểu quyết. Vì vậy, một chủ tịch mới sẽ phải thuyết phục được các thành viên khác bằng lập luận hợp lý nếu muốn hạ lãi suất.

Nhà đầu tư coi trọng sự độc lập của FED vì nếu điều đó bị ảnh hưởng, cam kết kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương này sẽ không còn đáng tin cậy. Chỉ cần người ta nghĩ rằng lạm phát sắp tăng thì giá các tài sản tài chính như cổ phiếu hay trái phiếu cũng có thể biến động mạnh.

Chỉ trong vòng 30 phút sau khi trang Bloomberg đưa tin Tổng thống Donald Trump có thể sa thải ông Powell, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ đã giảm 1%, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng 10 điểm cơ bản… Một số chuyên gia cảnh báo nếu ông Donald Trump thực sự hành động nhằm sa thải Chủ tịch FED, điều đó cuối cùng có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và lạm phát dai dẳng.

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/kho-luong-cuoc-doi-dau-giua-tong-thong-my-va-chu-tich-fed-a183964.html