Những 'điểm sáng, điểm nổ' nào của thị trường địa ốc cuối năm?

Nửa cuối năm 2025, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm lên đáng kể, không chỉ bởi những chính sách gỡ vướng mà còn nhờ tâm lý người mua và dòng vốn đầu tư đang dần trở lại.

Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt quay lại thị trường

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản tiếp tục cải thiện tích cực. 6 tháng đầu năm, thị trường có gần 2.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp địa ốc đăng ký thành lập mới cũng tăng mạnh về số lượng và vốn đăng ký. Trong đó, hơn 2.500 đơn vị thành lập mới với quy mô vốn hơn 184.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 20% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng, có khoảng 430 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng có xu hướng sụt giảm với hơn 3.100 đơn vị, giảm gần 2% so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường có nhiều động lực thúc đẩy doanh nghiệp địa ốc quay lại hoạt động.

Những 'điểm sáng, điểm nổ' nào của thị trường địa ốc cuối năm?- Ảnh 1.

Thị trường bất động sản "đón" nhiều tin vui.

Cụ thể, thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng đang tạo cú hích cho phát triển đô thị, tác động mạnh mẽ đến đà phục hồi của bất động sản đồng thời mở đường cho những vùng đất mới. Năm nay, tổng số vốn Bộ Xây dựng được giao làm các dự án giao thông có thể vượt 100.000 tỷ đồng trong năm nay, cao nhất từ trước tới nay. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến đường vành đai, đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội.

Làn sóng FDI tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản, tăng thêm sức hút của lĩnh vực với nhà đầu tư ngoại. 6 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vào kinh doanh bất động sản đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Gỡ khó dự án, đơn giản hoá thủ tục

Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ - cho biết một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển biến tích cực của thị trường là việc tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án tồn đọng kéo dài.

"Riêng tại Hà Nội, trong thời gian qua, chính quyền thành phố đã hai lần công bố danh sách các dự án được gỡ vướng - gồm 148 dự án trong đợt đầu và 155 dự án trong đợt hai, với tổng diện tích lên tới khoảng 1.500ha. Đây là kết quả từ việc triển khai Nghị quyết 171, một trong những văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch", ông Toản nói.

Song song với việc tháo gỡ pháp lý, loạt chính sách lớn như Nghị quyết 201 về phát triển nhà ở xã hội, Nghị quyết 68 về thúc đẩy kinh tế tư nhân cũng đang tạo ra nền tảng vững chắc để thị trường bất động sản vận hành ổn định hơn trong trung và dài hạn.

Theo bà Đỗ Thị Thu Giang - Giám đốc Toàn quốc Dịch vụ Định giá và Tư vấn tại Savills Việt Nam, mô hình chính quyền hai cấp có thể sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong việc cấp phép đầu tư, xây dựng và phê duyệt dự án. Việc phân quyền xuống các chính quyền địa phương được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và giảm sự phụ thuộc vào các cơ quan Trung ương - vốn từng là nút thắt trong nhiều dự án tại các đô thị lớn.

Bà Giang cho rằng: "Từ đó tiến độ thực hiện dự án có thể sẽ được rút ngắn, giảm thiểu các chi phí phát sinh do trì hoãn, giúp nâng cao lợi nhuận cho các nhà đầu tư bất động sản".

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, yếu tố minh bạch và khả năng dự đoán trong hệ thống pháp lý cũng được kỳ vọng sẽ được cải thiện rõ rệt. Việc hợp nhất thẩm quyền ra quyết định ở cấp tỉnh giúp loại bỏ tình trạng chồng chéo trách nhiệm - nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu nhất quán trong cách hiểu và áp dụng pháp luật.

Đồng thời, nỗ lực chuyển đổi số như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và hệ thống cấp phép điện tử sẽ tăng khả năng tiếp cận thông tin và hạn chế dư địa cho các can thiệp chủ quan. sau

"Đây là bước tiến quan trọng giúp thị trường bất động sản Việt Nam tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế về tính minh bạch", bà Giang nhận định và thêm rằng, điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà còn tăng cường niềm tin cho dòng vốn ngoại.

Trong báo cáo chuyên đề ngành bất động sản với chủ đề sáp nhập tỉnh thành và tác động đến thị trường bất động sản công bố mới đây, chuyên gia từ Chứng khoán VCBS đánh giá: "Việc sáp nhập sẽ tạo dư địa linh hoạt cho các địa phương thu hút đầu tư, giảm chồng chéo thủ tục giữa các địa bàn khác nhau, giảm sự tranh giành FDI giữa các địa phương".

Về dài hạn, việc sáp nhập tỉnh thành mang đến những động lực tích cực cho thị trường bất động sản xét đến hiệu quả từ tinh gọn bộ máy quản lý, ngân sách chủ động hơn, vị trí địa lý được khai thác hiệu quả và hạ tầng liên kết được tăng cường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đô thị.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý giá trị của các bất động sản chỉ thực sự được cải thiện cùng với sự phát triển của hạ tầng, tiện ích, nhu cầu nhà ở và các hoạt động kinh tế trên địa bàn, do đó sẽ cần thêm thời gian để thể hiện và có sự phân hóa nhất định giữa các khu vực. 

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/nhung-diem-sang-diem-no-nao-cua-thi-truong-dia-oc-cuoi-nam-a183543.html