Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận 4 tỷ đồng, thúc đẩy cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu

Sau buổi gặp mặt với nhóm lãnh đạo Tập đoàn Thuận An tại một bữa ăn tối, cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cho Tập đoàn Thuận An được trúng thầu dự án xây dựng cầu Đồng Việt.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy hứa "quan tâm"

Như Tiền Phong đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 29 bị can phạm tội trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các địa phương Bắc Giang (cũ), Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bộ Giao thông vận tải (cũ).

Trong đó, Viện Kiểm sát truy tố bị can Lê Ô Pích, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Truy tố ông Phạm Thái Hà, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"

Bị can Nguyễn Duy Hưng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An; Trần Quang Anh, cựu Tổng giám đốc; Nguyễn Khắc Mẫn, cựu Phó tổng giám đốc; Nguyễn Ngọc Hòa, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An; Hoàng Thị Lê Hạnh, Trưởng phòng kế hoạch kế toán, Tập đoàn Thuận An; Nguyễn Văn Thạo, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Bắc Giang; Phạm Thanh Bình, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Ninh; Vũ Hải Tùng, cựu Chi cục trưởng quản lý xây dựng đường bộ, Cục đường bộ Việt Nam; Phạm Hoàng Tuấn; Nguyễn Chí Cường; Phạm Văn Duân, đều là cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội, cùng hơn 10 bị can khác… bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận 4 tỷ đồng, thúc đẩy cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu- Ảnh 1.

Bị can Lê Ô Pích.

Theo cáo trạng, tại dự án cầu Đồng Việt (tỉnh Bắc Giang cũ), bị can Nguyễn Duy Hưng có quan hệ thân thiết với ông Phạm Thái Hà nên khi biết Bắc Giang có chủ trương xây cầu Đồng Việt, đã nhờ ông Hà, giới thiệu, tác động đến ông Dương Văn Thái, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, để được giúp đỡ, tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An tham gia thi công.

Tháng 12/2021, trong bữa cơm tối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang tại nhà một lãnh đạo, ông Phạm Thái Hà giới thiệu Nguyễn Duy Hưng và nói Tập đoàn Thuận An là "đơn vị có năng lực, nhờ các anh quan tâm, xem xét cho Tập đoàn này tham gia Dự án cầu Đồng Việt”.

Cựu Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái nói "sẽ quan tâm". Sau đó, ông tác động đến bị can Nguyễn Văn Thạo (cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Bắc Giang) "tạo điều kiện" cho Tập đoàn Thuận An.

Cựu Phó chủ tịch Bắc Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cho Thuận An trúng thầu

Theo Viện Kiểm sát, từ 12/2021 - 3/2022, bị can Hưng đã nhiều lần gặp Dương Văn Thái, Nguyễn Văn Thạo để xin chủ trương cho Tập đoàn Thuận An được thi công cầu Đồng Việt. Các cựu quan chức của tỉnh Bắc Giang cũng đồng ý cho Tập đoàn Thuận An là đầu mối đấu thầu, thi công dự án.

Như bị can Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, phụ trách lĩnh vực xây dựng cũng chỉ đạo bị can Nguyễn Văn Thạo "đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện" cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu, thi công Gói thầu số 7 Dự án cầu Đồng Việt.

Sau khi "lo lót" với các quan chức, bị can Nguyễn Duy Hưng mời ông Trần Quang Việt, Tổng giám đốc Công ty Trung Chính (đơn vị có năng lực thi công cầu, nhưng không có quan hệ với tỉnh) tham gia liên danh thi công Cầu Đồng Việt với Tập đoàn Thuận An và Công ty 168 Việt Nam. Ngoài ra, Hưng cũng mời Công ty Thiết bị xây dựng công nghệ Nam Anh làm thầu phụ cho Tập đoàn Thuận An để thi công hạng mục dây văng, hệ neo yên ngựa.

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận 4 tỷ đồng, thúc đẩy cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu- Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Duy Hưng (trái).

Các bên đồng ý thành lập liên danh và thống nhất giao cho Tập đoàn Thuận An là đầu mối làm việc với Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang), chủ trì ghép hồ sơ dự thầu của các bên liên danh; còn nhóm Công ty Trung Chính, Công ty 168 Việt Nam chuẩn bị hồ sơ năng lực, hồ sơ pháp lý và phân công, chỉ đạo nhân viên phối hợp

Liên doanh này của Thuận An được trúng thầu thi công cầu Đồng Việt. Sau đó, các bị can Nguyễn Văn Thạo và Nguyễn Duy Hưng thống nhất Tập đoàn Thuận An thay mặt liên danh nộp tiền cơ chế là 3% giá trị gói thầu trước thuế cho Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang.

Để có tiền, bị can Nguyễn Duy Hưng yêu cầu Công ty Trung Chính, Công ty 168 Việt Nam phải nộp tiền phí là 7% tính trên giá trị thi công (ngoài hợp đồng); Công ty Nam Anh phải nộp tiền phí là 30% ngoài hợp đồng; Công ty TAEC (công ty con của Tập đoàn Thuận An) nộp tiền phí 16% ngoài hợp đồng.

Tổng cộng, bị can Nguyễn Duy Hưng thu được hơn 92 tỷ đồng từ những doanh nghiệp này.

Viện Kiểm sát còn cho rằng, quá trình thi công Nguyễn Duy Hưng còn gửi giá, thu hơn 4,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào của hai nhà cung cấp vật liệu. Sau mỗi lần tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu tiền ngoài hợp đồng từ các nhà thầu phụ và nhà cung cấp đầu vào, Hưng chỉ đạo cấp dưới 6 lần đưa cho Nguyễn Văn Thạo tổng số 11 tỷ đồng.

Số tiền này, bị can Thạo đưa lại cho cựu Phó chủ tịch tỉnh Lê Ô Pích 3 tỷ còn bản thân chi tiêu 8 tỷ đồng.

Riêng ông Pích còn nhận của bị can Nguyễn Duy Hưng 1 tỷ đồng "cảm ơn”, hiện ông Pích đã nộp lại toàn bộ 4 tỷ cho cơ quan điều tra.

Bị can cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà được Nguyễn Duy Hưng "biếu" tổng cộng 750 triệu đồng.

Theo cơ quan truy tố, sai phạm đấu thầu của nhóm Nguyễn Duy Hưng tại cầu Đồng Việt, gây thiệt hại hơn 96 tỷ đồng cho Nhà nước.

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/cuu-pho-chu-tich-ubnd-tinh-bac-giang-nhan-4-ty-dong-thuc-day-cho-tap-doan-thuan-an-trung-thau-a183432.html