Nhập khẩu sữa ngoại tăng mạnh

Dù vừa trải qua hàng loạt vụ bê bối liên quan đến sữa bột giả gây rúng động dư luận, thị trường sữa Việt Nam trong nửa đầu năm vẫn ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ ở cả khâu nhập khẩu lẫn tiêu thụ nội địa.

.t1 { text-align: justify; }

Theo số liệu Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa công bố, trong tháng 6, tiêu thụ sữa tươi của cả nước ước đạt hơn 155,4 triệu lít, tăng 13,5%, với trị giá gần 4.290 tỷ đồng, tăng 14,2% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, tiêu thụ sữa tươi của Việt Nam đạt gần 837 triệu lít, với 23.275 tỷ đồng.

Ngoài ra, cả nước tiêu thụ hơn 28.600 tấn sữa bột, tăng 0,6% với trị giá gần 1.785 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước đó. Tính chung 6 tháng, tiêu thụ sữa bột cả nước đạt 131.296 tấn và đạt 6.660 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh cơ quan chức năng triệt phá hàng loạt đường dây sản xuất sữa giả, thị trường nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa không chỉ tăng về số lượng mà còn đa dạng về chủng loại.

Số liệu thống kê sơ bộ của Cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 6, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam ước đạt 80,4 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ tháng 5. Tính từ đầu năm kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 659,3 triệu USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, New Zealand, Mỹ, Australia, Ai len và Thái Lan tiếp tục là các thị trường chủ yếu cung cấp sữa và sản phẩm cho Việt Nam; trong đó nhập khẩu nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm đến từ New Zealand đạt gần 192 triệu USD, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng tới 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu sữa ngoại tăng mạnh- Ảnh 1.

Nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ thị trường Australia tăng 19,4%, đạt 58 triệu USD, từ thị trường Ai len tăng mạnh 66,3%, đạt 32,2triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ thị trường Mỹ giảm mạnh 34%, khi chỉ đạt 40,9 triệu USD.

Ngoài ra, Việt Nam còn tăng nhập khẩu sữa từ thị trường Đông Nam Á, châu Âu, như Đức tăng 75,7%; Hà Lan tăng 72,9%; Bỉ tăng 296%; Thái Lan tăng 20,5%; Singapore tăng gần 30%;…

Về loại sữa, mặt hàng sữa bột chiếm vị trí đứng đầu, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là sữa bột gầy và sữa bột nguyên kem. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng khác sụt giảm như sữa đặc có đường giảm 5,1%; sữa chua uống giảm 19,7%, sữa chua giảm gần 80%.

Thị trường sữa Việt Nam đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ do nhu cầu tiêu thụ tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu và nhà sản xuất, trong đó có cả nguồn cung nhập khẩu.

Theo báo cáo từ IMARC Group, công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các chiến lược quản lý và nghiên cứu thị trường, thị trường sữa Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 9,4% trong giai đoạn từ 2024 đến 2032.

Thị trường sữa dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng về khối lượng là 5% vào năm 2025. Tức khối lượng sữa trung bình mà mỗi người dân tiêu thụ dự kiến đạt khoảng 20,7 kg vào năm 2025.

Việt Nam đang có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong đó có 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối sữa. Phần lớn thị phần thuộc về các doanh nghiệp trong nước (khoảng 75%), trong khi phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 25%).

Các doanh nghiệp dẫn đầu thị phần sữa trong nước bao gồm Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, IDP và Mộc Châu Milk. Khối doanh nghiệp ngoại, gồm: FrieslandCampina (Hà Lan), Nestlé (Thụy Sĩ), Abbott (Mỹ), Mead Johnson (Mỹ) và Fonterra (New Zealand).

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/nhap-khau-sua-ngoai-tang-manh-a183074.html