Trùng nhiều tên đường sau sáp nhập - Đổi hay giữ lại?

Sau khi hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trùng tên đường tại TPHCM (mới) gia tăng đáng kể, gây khó khăn trong quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận tải logistics... Tuy nhiên, theo chuyên gia, không nên đổi tên để tránh xáo trộn, gây phiền hà thêm cho người dân, chỉ cần điều chỉnh, tránh trùng tên trong cùng một xã, phường.

Ngày 11/7, ghi nhận của phóng viên, sau khi sáp nhập phường, xã và TPHCM với hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trùng tên đã gia tăng mạnh. Một số tên đường như Nguyễn Văn Trỗi, Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ… hay các đường mang số thứ tự có mặt ở nhiều địa phương. Đơn cử như tại phường Phước Long mới (sáp nhập 3 phường Phước Long A, Phước Long B và Phước Bình) có tới mấy chục con đường đánh số trùng nhau nhiều lần.

Trùng nhiều tên đường sau sáp nhập - Đổi hay giữ lại?- Ảnh 1.

TPHCM hiện tại với quy mô hơn 6.700 km2, dân số gần 15 triệu người. Bên cạnh việc mở rộng địa bàn, công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều tên đường trùng nhau.

Theo Hội đồng tư vấn đổi tên đường, phố và công trình công cộng TPHCM, trước đây thành phố đã có tới 400 tuyến đường trùng tên. Trong số đó, có những tên trùng nhau ở 2 hoặc nhiều quận, huyện. Cá biệt có những tên gọi được đặt cho 5 tuyến đường, như Chu Văn An được đặt tên đường tại quận 6, Tân Phú, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức (có 2 đường); đường Nguyễn Trường Tộ có ở các quận 4, Phú Nhuận, Tân Phú, thành phố Thủ Đức (có 2 đường).

Nói về tên đường sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, TS Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho biết TPHCM mới đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng hệ thống tên đường đồng bộ, thuận tiện, phục vụ quản lý đô thị.

Trùng nhiều tên đường sau sáp nhập - Đổi hay giữ lại?- Ảnh 2.

Ông Nhựt nêu ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng trùng tên đường gia tăng sau ngày 1/7. Cụ thể, lịch sử đặt tên đường riêng lẻ, không có điều phối liên tỉnh; đồng bộ GIS (hệ thống thông tin địa lý); quá trình sáp nhập nhanh, khối lượng tên đường lớn, chưa kịp rà soát, thống kê, quy hoạch đặt tên mới một cách toàn diện. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới cần có những giải pháp cấp bách để giải quyết thực trạng này. Việc tổ chức đổi tên cần theo lộ trình, có sự đồng thuận và kết hợp chỉnh trang đô thị.

Trong khi đó, PGS.TS Hà Minh Hồng - Hội Khoa học lịch sử TPHCM, đánh giá việc nhiều tuyến đường trùng tên nhau đang gây ra những khó khăn đáng kể cho công tác quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận hành logistics, cứu hộ cứu nạn, cũng như làm giảm hiệu quả quản lý đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc đổi tên đường lại có thể kéo theo một hệ lụy lớn hơn như buộc người dân phải thay đổi hàng loạt thông tin cá nhân, gia đình cùng các giấy tờ có liên quan đến tài sản. Điều này sẽ tạo ra sự xáo trộn và phiền hà không nhỏ trong đời sống sinh hoạt và trong việc quản lý tổ chức các thủ tục hành chính.

Sẽ điều chỉnh, tránh trùng tên đường cùng một phường

Theo ghi nhận của phóng viên, trước khi sáp nhập với TPHCM, Bình Dương cũ đã có hàng loạt tên đường trùng nhau. Cụ thể, tại thành phố Thủ Dầu Một cũ có 2 tuyến đường cùng mang tên Hùng Vương (đường Hùng Vương ở phường Phú Cường cũ, nay là phường Thủ Dầu Một và đường Hùng Vương, phường Hòa Phú cũ, nay là phường Bình Dương). Ngoài ra, đường Hùng Vương còn có ở thành phố Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo, thuộc tỉnh Bình Dương cũ.

Trùng nhiều tên đường sau sáp nhập - Đổi hay giữ lại?- Ảnh 3.

Những tuyến đường được đặt tên trùng nhiều nhất ở Bình Dương cũ như, Trần Phú, Nguyễn Du, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Trỗi... Những tên đường này có ở nhiều thành phố cũ của Bình Dương như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên.

Việc nhiều đường trùng tên được người dân quan tâm, nhất là sau khi sáp nhập với TPHCM. “Trước đây, trong tỉnh Bình Dương cũ đã có nhiều tên đường trùng, gây khó trong việc giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, định vị, chỉ đường… Bây giờ thêm cả Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM nhiều đường trùng tên, càng thêm bất tiện”- ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ phường Phú Lợi, TPHCM) nói và cho biết bản thân đã từng đi lộn đường một lần vì trùng tên.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM cho biết, trong cùng 1 xã, phường (sau khi sáp nhập) nếu có 2 tuyến đường trùng tên nhau sẽ nghiên cứu đổi tên. Đối với các tuyến đường trùng tên nhưng khác xã, phường thì không cần phải đổi, để hạn chế sự thay đổi làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Cũng theo vị này, trước mắt sẽ giữ nguyên hiện trạng tên đường sau khi sáp nhập, bởi lẽ việc chấp nhận cùng một tên đường ở các địa giới hành chính khác nhau là bình thường. TPHCM sẽ khảo sát, xử lý các vấn đề bất hợp lý trong quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng khi được HĐND TPHCM mới thông qua.

Cùng quan điểm, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển (Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam) cho rằng, không cần đổi tên đường mà giữ nguyên. Bởi vì cứ mỗi lần đổi tên đường sẽ tạo ra phiền hà cho người dân trong khu vực. Thay vào đó, tên đường mới cần xác định vị trí tên phường rõ ràng. Ví dụ như đường Lê Hồng Phong phường Chợ Quán, đường Lê Hồng Phong phường Vũng Tàu, đường Lê Hồng Phong phường Phú Lợi. Khi tên phường, thành phố chính xác thì việc xác định địa chỉ sẽ đơn giản, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cả đơn vị quản lý.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, TPHCM cần lập tổ công tác khảo sát số lượng tuyến đường trùng tên, tổng hợp dữ liệu tên đường trên toàn địa bàn, lập danh mục toàn bộ tên đường, phân loại theo khu vực, phường/xã, mục đích đặt tên ban đầu, thời điểm đặt tên… để tiến hành đổi tên đường trùng lặp một cách đồng bộ, khoa học dựa trên ngân hàng tên đường.

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/trung-nhieu-ten-duong-sau-sap-nhap-doi-hay-giu-lai-a182929.html