Chuyện lạ có thật: Một nước nuôi cá hồi bằng... khí thải, "hô biến" CO₂ thành dưỡng chất xanh thế nào?

Sáng kiến tại quốc gia châu Âu đã biến khí CO₂ thành thức ăn giàu dinh dưỡng cho cá hồi thông qua việc nuôi trồng vi tảo quy mô lớn.

Đây là một sáng kiến tiên phong tại Na Uy đang mở ra hướng đi mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ hải sản Việt Nam, dự án biến khí CO₂ thành thức ăn giàu dinh dưỡng cho cá hồi do Finnfjord AS, nhà sản xuất hợp kim ferrosilicon ở Bắc Na Uy, dẫn đầu, với sự phối hợp của các viện nghiên cứu hàng đầu như UiT, SINTEF, Nofima và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng.

Chuyện lạ có thật: Một nước nuôi cá hồi bằng... khí thải, "hô biến" CO₂ thành dưỡng chất xanh thế nào?- Ảnh 1.

Tảo nuôi bằng CO₂ để cung cấp thức ăn cho cá hồi.

Mỗi năm, Finnfjord thải ra khoảng 300.000 tấn CO₂ – một phần trong số này đang được thu giữ và chuyển vào các bể nuôi vi tảo đặt ngay tại nhà máy.

Vi tảo sử dụng CO₂ thông qua quá trình quang hợp, phát triển thành sinh khối giàu dinh dưỡng. Sinh khối này sau đó được phối trộn vào thức ăn cho cá hồi. Theo Viện Nghiên cứu Thủy sản Nofima, kết quả thử nghiệm trên cá hồi từ giai đoạn cá bột đến lúc thu hoạch cho thấy cá tăng trưởng tốt, sức khỏe ổn định, dù quy trình sản xuất thức ăn từ tảo.

Ban đầu, do giới hạn kỹ thuật, hàm lượng vi tảo trong thức ăn chỉ đạt khoảng 3%. Tuy nhiên, nhờ cải tiến công nghệ, tỷ lệ này hiện đã được nâng lên tới 15%, trong khi cá hồi vẫn tăng trưởng tốt, thịt chắc, khỏe mạnh, cho thấy tiềm năng ứng dụng thực tế rất lớn.

Thành công của sáng kiến phần lớn đến từ mô hình hợp tác liên ngành. Finnfjord AS và UiT đã cùng phát triển hệ thống thu dẫn khí CO₂ và NOx từ sản xuất ferrosilicon vào các bể nuôi tảo ngay tại nhà máy. Đây là bước chuyển đổi sáng tạo, biến chất thải công nghiệp thành nguồn nguyên liệu có giá trị cao trong nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá, cá hồi nuôi bằng loại thức ăn giàu vi tảo này cho chất lượng thịt và sức khỏe không thua kém gì phương pháp nuôi thông thường, đồng thời giúp giảm áp lực khai thác tài nguyên biển.

Giới chuyên gia cho rằng hiện mới chỉ có một phần nhỏ loài vi tảo được khai thác, trong khi tiềm năng vẫn còn rất lớn. Trong tương lai, các nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, tối ưu quy trình nuôi trồng và chế biến để vi tảo trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi thực phẩm thủy sản toàn cầu.

Finnfjord AS đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp sản xuất ferrosilicon không phát thải CO₂ đầu tiên tại Na Uy. Sự hợp tác dài hạn với UiT từ năm 2014 cho thấy cam kết mạnh mẽ của công ty đối với chiến lược phát triển bền vững, tích hợp công nghệ xanh vào quy trình sản xuất.

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/chuyen-la-co-that-mot-nuoc-nuoi-ca-hoi-bang-khi-thai-ho-bien-co2-thanh-duong-chat-xanh-the-nao-a182687.html