Tiền vào nhiều, chứng khoán sôi động

Trái với nhiều dự báo cho rằng VN-Index sẽ sớm đối mặt với nhịp điều chỉnh kỹ thuật do áp lực chốt lời gia tăng khi vượt mốc tâm lý 1.400 điểm, chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái hưng phấn, dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào chứng khoán.

Tiền vào nhiều, chứng khoán sôi động - Ảnh 1.

Nhiều công ty chứng khoán dự báo thị trường chứng khoán sẽ vượt mốc 1.500 điểm trong năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch ngày 8-7 với diễn biến tích cực. Trong khoảng 30 phút cuối phiên, VN-Index bất ngờ tăng tốc, chốt tại 1.415 điểm, mức cao nhất trong ngày, tăng 13 điểm so với phiên trước đó.

Đà tăng thuyết phục này được củng cố nhờ lực cầu lan tỏa rộng khắp, với gần 500 mã tăng giá trên cả ba sàn, vượt trội so với hơn 250 mã giảm, phản ánh tâm lý tích cực từ giới đầu tư.

Trong đó, nhóm vốn hóa lớn thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, giúp chỉ số vượt qua ngưỡng cản tâm lý và nỗi lo chốt lời khi áp sát đỉnh mới.

Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao, đạt gần 31.000 tỉ đồng, riêng sàn HoSE đạt 28.300 tỉ đồng, cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu suy yếu dù trải qua ba phiên tăng liên tiếp.

Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục duy trì vị thế mua ròng, với tổng giá trị hơn 1.500 tỉ đồng. Đây cũng là phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, góp phần giảm đáng kể áp lực rút vốn khỏi thị trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng triển vọng thị trường vẫn tích cực trong cả trung hạn lẫn dài hạn nhờ dòng tiền sôi động duy trì, thời điểm nâng hạng đang đến gần.

Ông Nguyễn Anh Khoa - giám đốc khối phân tích và nghiên cứu Chứng khoán Agribank - cho biết tất cả quốc gia nhận thư thuế từ Mỹ trong ngày 7-7 đều phải chịu mức thuế quan cao hơn 25%. Trong bối cảnh này, các ngành có tỉ lệ nội địa hóa cao sẽ hưởng lợi rõ rệt nhất.

Điểm tích cực là phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có tỉ lệ nội địa hóa khá cao, trong khi thị trường nội địa chiếm hơn 80% doanh thu của khối doanh nghiệp niêm yết.

"Nhìn chung, câu chuyện thuế quan không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. Khi những yếu tố rủi ro đã và đang dần lắng xuống, thị trường ổn định trở lại và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ duy trì bình thường", ông Khoa nhận định.

Ông Quách An Khánh - chuyên gia phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) - cho rằng đà tăng của thị trường được củng cố mạnh bởi dòng tiền từ khối ngoại, vốn liên tục mua ròng trong nhiều phiên gần đây.

Theo khuyến nghị của ông Khánh, ngoài việc tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đang giữ xu hướng tăng trong danh mục, nhà đầu tư nên tranh thủ những nhịp điều chỉnh trong phiên để cơ cấu lại danh mục, ưu tiên gia tăng tỉ trọng vào các nhóm ngành đang thu hút mạnh dòng tiền, đặc biệt là bán lẻ, chứng khoán và bất động sản.

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Huy - giám đốc Nghiên cứu FIDT, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sẽ mở khóa cho dòng vốn bị nghẽn suốt nhiều năm qua.

"Ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay, doanh nghiệp có thêm vốn để mở rộng sản xuất, thị trường bất động sản được hỗ trợ, và thị trường chứng khoán cũng sẽ hưởng lợi khi dòng tiền trong nền kinh tế gia tăng", ông Huy nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lớn khi Chính phủ thể hiện quyết tâm tháo gỡ các rào cản hành chính trong điều hành tín dụng, thay vào đó để thị trường vận hành theo đúng quy luật cung - cầu.

Trước đó tại phiên họp Chính phủ tháng 7-2025, Thủ tướng đã chỉ đạo bãi bỏ cơ chế "room tín dụng" từ năm 2026, mở đường cho hệ thống ngân hàng hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn.

Đà tăng của VN-Index diễn ra trong bối cảnh các thị trường châu Á cũng khởi sắc nhờ kỳ vọng vào tiến trình cắt giảm lãi suất tại Mỹ vào cuối năm nay. Theo đó, nhiều chỉ số chứng khoán trong khu vực tăng tích cực như NIKKEI 225 (+0,26%), STI (+0,54%), KOSPI (+1,81%), SHCMP (+0,7%).

Một số ít chỉ số giảm điểm nhẹ là TWSE (-0,3%), KLSE (-0,55%), SET (-0,36%)... Nhìn chung, diễn biến thị trường khu vực châu Á không thể hiện sự tiêu cực, không có hiện tượng bán tháo, bất chấp việc ông Donald Trump vừa đăng tải loạt thư thông báo mức thuế từ 25 - 40% sẽ áp lên hàng hóa của 14 nước.

Tiền vào nhiều, chứng khoán sôi động - Ảnh 2.Khối ngoại 'gom' hàng, chứng khoán tiếp tục tăng mạnh, vượt xa 1.400 điểm

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán đạt gần 31.000 tỉ đồng. Điều này phản ánh sự sôi động của dòng tiền, dù lực cầu chủ động có dấu hiệu thận trọng khi chỉ số vượt 1.410 điểm.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/tien-vao-nhieu-chung-khoan-soi-dong-a182296.html