Liên minh châu Âu đang bất đắc dĩ bị lôi vào trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - Ảnh: ASPENIA ONLINE
Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang và trật tự thương mại toàn cầu bị xáo trộn, Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào một thế lưỡng nan ngày càng rõ nét: vừa muốn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn, vừa không thể quay lưng với Mỹ - đồng minh an ninh chủ chốt.
Càng cố gắng cân bằng, châu Âu càng cảm nhận rõ giới hạn trong tham vọng "tự chủ chiến lược" của mình.
Bị kẹt giữa hai 'gọng kìm'
Theo báo New York Times ngày 6-7, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đang theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn, áp thuế cao đồng loạt lên hàng nhập khẩu, bất chấp đối thủ hay đồng minh.
Thay vì đối xử khác biệt với EU - một đồng minh lâu đời, chính quyền Washington áp dụng các biện pháp thuế quan với khối này gần như tương tự với Trung Quốc, đối thủ địa chính trị hàng đầu của xứ cờ hoa. Điều này khiến Brussels lo ngại rằng EU có thể gánh chịu "thiệt hại phụ" trong cuộc chiến giành lại chuỗi cung ứng và vị thế công nghiệp của Mỹ.
Hiện tại các quan chức EU đang nỗ lực đàm phán một thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ, trước thời hạn mức thuế đối ứng cao chót vót mà ông Trump tuyên bố hồi 2-4 chính thức có hiệu lực vào ngày 1-8.
Người dân Pháp xếp hàng mua sắm tại cửa hàng Shein hôm 26-6 - Ảnh: AFP
Mối lo của châu Âu không chỉ nằm ở kinh tế. Việc Trung Quốc ủng hộ Nga - dù gián tiếp - trong cuộc chiến với Ukraine bằng cách tiếp tục tiêu thụ năng lượng và hàng hóa từ Matxcơva đã khiến Brussels bất bình, nhất là trong thời điểm EU đang áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga.
Tuy nhiên EU gần như không có đòn bẩy đủ mạnh để buộc Bắc Kinh thay đổi lập trường.
Trước hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc dự kiến diễn ra cuối tháng 7, kỳ vọng về đột phá trong quan hệ thương mại giữa hai bên là rất thấp.
Thậm chí nhiều quan chức EU không che giấu nổi sự thất vọng, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng chiến lược "thống trị, gây ra sự phụ thuộc và tống tiền".
Tự chủ chiến lược: Nói dễ, làm khó
Liên minh châu Âu từng hy vọng rằng việc giữ vai trò trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mang lại cho họ lợi thế chiến lược và kinh tế. Nhưng thực tế hiện nay lại đang chứng minh điều ngược lại: EU đang trở thành mục tiêu tranh giành và áp lực từ cả hai phía, dù muốn hay không.
Không thể quay lưng với Mỹ vì lý do an ninh, nhưng cũng không thể đối đầu trực diện với Trung Quốc vì phụ thuộc kinh tế - châu Âu rốt cuộc vẫn là bên bị động, luôn phải "dọn dẹp" hậu quả từ các quyết sách của hai trung tâm quyền lực trên.
Trong cuộc chơi giữa những người khổng lồ, kẻ đứng giữa luôn là người dễ bị tổn thương nhất. Với EU, giấc mơ "tự chủ chiến lược" vẫn còn là một hành trình dài, và không dễ để thoát ra khỏi chiếc bóng của cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/the-kho-cua-chau-au-giua-thuong-chien-my-trung-a181973.html