Láng giềng Việt Nam 'ra lò' cặp 'quái vật thép 80 tấn' lớn nhất thế giới: Thay thế 1,3 triệu tấn than/năm

Cặp "quái vật" này được chế tạo từ thép martensitic cực bền.

Tân Hoa xã thông tin, Trung Quốc phát triển thành công tua-bin xung lực lớn nhất thế giới với trọng lượng khoảng 80 tấn. Tua-bin thủy điện này có công suất tối đa lên đến 500 Megawatt - trở thành tua-bin đơn lẻ có công suất lớn nhất thế giới hiện nay.

Tuabin xung lực được chế tạo từ thép martensitic – một loại thép không gỉ có độ bền cơ học cao, khả năng chịu áp lực lớn và chống ăn mòn vượt trội. Với thiết kế gồm 21 gàu nước và đường kính ngoài 6,23 mét cùng độ dày là 1,34 mét, tua-bin này được ví như “trái tim” của tổ máy thủy điện.

Láng giềng Việt Nam 'ra lò' cặp 'quái vật thép 80 tấn' lớn nhất thế giới: Thay thế 1,3 triệu tấn than/năm- Ảnh 1.

Cận cảnh chiếc tua-bin xung lực nặng 80 tấn của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong đó, bánh xe gàu nước của tua-bin chính là bộ phận trung tâm, có nhiệm vụ biến đổi động năng của dòng nước thành cơ năng, từ đó tạo ra điện năng phục vụ hệ thống.

Mục tiêu lớn của Trung Quốc năm 2060

Tua-bin do Harbin Electric Machinery Company phát triển cho Nhà máy thủy điện Datang Zala ở Khu tự trị Tây Tạng. Ngày 2/7/2025, 2 tua-bin xung lực này đã được bàn giao thành công.

Với 2 tua-bin, Nhà máy thủy điện Datang Zala sẽ tạo ra lượng điện tương đương với việc đốt 1,3 triệu tấn than mỗi năm.

Ông Đào Hưng Minh - Giám đốc công nghệ của công ty Harbin, cho biết tua-bin mới nâng hiệu suất tổ máy từ 91% lên 92,6%. Với công suất 500 MW và hoạt động liên tục 24 giờ/ngày, hiệu suất tăng thêm này có thể tạo ra khoảng 190.000 kWh điện mỗi ngày.

Láng giềng Việt Nam 'ra lò' cặp 'quái vật thép 80 tấn' lớn nhất thế giới: Thay thế 1,3 triệu tấn than/năm- Ảnh 2.

Quang cảnh buổi lễ bàn giao tua-bin xung lực mới ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Tập đoàn Datang, Nhà máy thủy điện Datang Zala có công suất lắp đặt 1 triệu kW, sản xuất gần 4 tỷ kWh điện mỗi năm. Ngoài việc thay thế 1,3 triệu tấn than mỗi năm (nhờ 2 tua-bin mới), nhà máy còn có thể giảm phát thải khoảng 3,4 triệu tấn CO2 hàng năm nhờ sản xuất được điện sạch. Nhà máy thủy điện Datang Zala dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2028.

Kể từ năm 2020, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các đập thủy điện để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Theo Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA), Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu, chiếm phần lớn công suất thủy điện mới ở châu Á. IHA cho biết Trung Quốc đang triển khai và phê duyệt hơn 200 GW thủy điện tích năng, vượt mục tiêu 120 GW vào 2030, có thể đạt 130 GW trước cuối thập kỷ này.

Thủy điện tích năng lưu trữ năng lượng bằng cách bơm nước lên hồ chứa khi thừa điện và xả xuống phát điện khi nhu cầu cao, hỗ trợ ổn định lưới điện trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Thép không gỉ được phân loại thành 4 loại chính, bao gồm Austenitic, Ferritic, Duplex và Martensitic. Trong đó, thép không gỉ Martensitic là một dạng hợp kim thép không gỉ có cấu trúc tinh thể Martensite cực kỳ cứng và bền. Tên này được lấy từ tên của nhà luyện kim người Đức, Adolf Martens.

Thành phần của thép Martensitic gồm: Crom chiếm 11,5-18% thành phần của thép martensitic, cùng với 1,2% carbon và niken.

Thép martensitic có độ bền kéo lên đến 1700 MPa với độ dẻo tốt.


Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/lang-gieng-viet-nam-ra-lo-cap-quai-vat-thep-80-tan-lon-nhat-the-gioi-thay-the-13-trieu-tan-thannam-a181455.html