Một ngành kinh doanh tỷ USD của Mỹ nếm ‘trái đắng’ thương chiến: Xuất khẩu sang Trung Quốc ‘đóng băng’, đơn hàng bị hủy hàng loạt, nguy cơ mất thị phần vào tay đối thủ

Nông dân trong ngành giống vật nuôi tại Mỹ đang chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Một ngành kinh doanh tỷ USD của Mỹ nếm ‘trái đắng’ thương chiến: Xuất khẩu sang Trung Quốc ‘đóng băng’, đơn hàng bị hủy hàng loạt, nguy cơ mất thị phần vào tay đối thủ- Ảnh 1.

Tháng 4 vừa qua, đàn lợn giống của bác sĩ thú y Mike Lemmon – mỗi con trị giá từ 2.500 đến 5.000 USD – lẽ ra đã được đưa từ St. Louis sang Hàng Châu, Trung Quốc bằng máy bay.

Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, đơn hàng trị giá 2,4 triệu USD bị hủy trong vòng chưa đầy một tuần. Kết quả là nhiều con bị bán tháo cho lò mổ ở Indiana với giá chưa đến 200 USD mỗi con.

Đây chỉ là một trong hàng loạt thiệt hại mà ngành xuất khẩu giống vật nuôi của Mỹ phải chịu kể từ khi Tổng thống Donald Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ cho biết họ đã mất hàng triệu USD doanh thu và những mối làm ăn xây dựng suốt nhiều năm qua.

Nuôi con giống là một ngành kinh doanh ngách trong ngành công nghiệp chăn nuôi lợn trị giá 37 tỷ USD của Mỹ. Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu lợn giống của Mỹ. Sau đại dịch tả lợn châu Phi năm 2018 khiến hàng triệu con lợn ở Trung Quốc bị tiêu hủy, nhu cầu nhập khẩu lợn giống Mỹ tăng mạnh nhằm tái đàn và cải thiện năng suất.

Một ngành kinh doanh tỷ USD của Mỹ nếm ‘trái đắng’ thương chiến: Xuất khẩu sang Trung Quốc ‘đóng băng’, đơn hàng bị hủy hàng loạt, nguy cơ mất thị phần vào tay đối thủ- Ảnh 2.

Tuy nhiên, thuế quan trả đũa từ Trung Quốc khiến dòng thương mại này gần như đóng băng. Jay Weiker, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhân giống vật nuôi Mỹ, cho biết hiện Trung Quốc không còn nhập một đơn vị tinh bò nào. Trước đó, Trung Quốc mua tới 25% tổng lượng tinh bò Mỹ, chủ yếu để lai tạo bò sữa có sản lượng cao sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008.

Tony Clayton, chủ công ty xuất khẩu vật nuôi Clayton Agri-Marketing tại Missouri, chia sẻ: “Thương hiệu của chúng tôi đang bị tổn hại. Tuần nào cũng có khách hàng hỏi tình hình tại Mỹ. Đây là thiệt hại lâu dài, và tôi không rõ có thể phục hồi hay không”.

Các doanh nghiệp trong ngành cho biết việc vận chuyển giống vật nuôi không chỉ đắt đỏ mà còn cực kỳ công phu. Nhân viên phải tháp tùng động vật trong suốt chuyến bay, đảm bảo điều kiện nhiệt độ, nước uống và thức ăn – thậm chí ngủ cạnh vật nuôi trong khoang lạnh để chăm sóc.

Không chỉ lợn và bò, ngành nhân giống dê và cừu cũng chịu ảnh hưởng. Brittany Scott, chủ công ty SMART Reproduction Services ở Arkansas, cho biết nhiều khách quốc tế đã hủy đơn hàng. Hiện tại, hàng loạt mẫu tinh đông lạnh vẫn nằm trong bể ni-tơ lỏng chờ khách mua.

Dù Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tạm ngưng áp thêm thuế, nhiều nhà xuất khẩu vẫn tỏ ra thận trọng. Chính sách thương mại khó lường của Nhà Trắng khiến họ lo ngại Trung Quốc sẽ tìm đến các nhà cung cấp thay thế như Đan Mạch, đặc biệt trong lĩnh vực giống vật nuôi cấp.

Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai cho biết chính quyền đang “làm việc không ngừng nghỉ để mở rộng cơ hội thương mại với các đối tác khác”. Tuy nhiên, với những nông dân như ông Lemmon, thời gian và uy tín bị mất đi trong một thương vụ kéo dài hơn một năm là cú sốc không dễ gượng dậy.

“Tôi vẫn sẽ tiếp tục nuôi lợn giống”, Lemmon nói, đồng thời và hy vọng có thể nối lại các thỏa thuận làm ăn với phía Trung Quốc khi đàm phán thương mại tiến triển.

Tham khảo: Reuters

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/mot-nganh-kinh-doanh-ty-usd-cua-my-nem-trai-dang-thuong-chien-xuat-khau-sang-trung-quoc-dong-bang-don-hang-bi-huy-hang-loat-nguy-co-mat-thi-phan-vao-tay-doi-thu-a173656.html